Trên tạp chí Theranostics ngày 2-7, nhóm nhà khoa học trên cho biết họ đã "lần đầu tiên trên thế giới" mã hóa một loại độc tố do vi khuẩn tạo ra, tạo thành các phân tử RNA thông tin (mRNA) và đưa các phân tử này đến các tế bào ung thư.
Các tế bào ung thư sau đó sẽ sản sinh ra cùng loại độc tố (giống độc tố của vi khuẩn), rồi bị nhiễm độc và chết đi trong chính môi trường ấy. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thành công của phương pháp này lên tới 60%.
Phương pháp mới được các nhà khoa học phát triển dựa trên ý tưởng đưa các phân tử mRNA đã được mã hóa với độc tố của khuẩn trực tiếp tới các tế bào ung thư. Điều này khác với các phương pháp điều trị hóa trị đang được áp dụng hiện nay - không thể xác định cụ thể các tế bào cần tiếp cận, theo đó cũng sẽ hủy hoại cả các tế bào khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu mã hóa thông tin di truyền của protein chứa độc tố do vi khuẩn pseudomonas tạo ra thành các phân tử mRNA. Những phân tử này sau đó được bọc trong các hạt nano lipid và được phủ kháng thể để đảm bảo rằng độc tố sẽ đến được các tế bào ung thư.
Nhóm nghiên cứu đã tiêm các hạt nano lipid này vào khối u của những con chuột bị ung thư da hắc tố. Kết quả cho thấy sau một lần tiêm, có tới 44-60% tế bào ung thư biến mất.
Theo các nhà khoa học, phương pháp mới này cũng có thể được sử dụng với nhiều loại vi khuẩn kỵ khí tiết ra chất độc, đặc biệt là những loại sống trong lòng đất và có thể hỗ trợ điều trị nhiều loại ung thư.
Ngoài ra, các tế bào ung thư sẽ không thể phát triển khả năng kháng phương pháp này như khi hóa trị, bởi trong quá trình ứng dụng, giới chuyên gia có thể sử dụng những loại độc tố tự nhiên khác nhau.
Theo thống kê, béo phì là nguyên nhân gây ra 18.100 ca ung thư mỗi năm và có xu hướng tăng lên 670.000 ca trong 20 năm tới. Việc giảm nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác liên quan đến sức khỏe do béo phì là rất cần thiết.