Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 của Thủ tướng, dự án có tổng mức đầu tư 5.886 tỉ đồng và được chia thành 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 dài 16km thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư 3.640 tỉ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp cấp quyết định đầu tư.
Ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được cập nhật chuẩn xác lại các chi phí.
Theo đó, so với bước tiền khả thi, chi phí giải phóng mặt tăng 165 tỉ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị tăng 212 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án giảm 46 tỉ đồng, chi phí dự phòng giảm 331 tỉ đồng.
Tuy nhiên qua cân đối tăng giảm các chi phí, tổng mức đầu tư dự án thành phần 2 vẫn ở mức 3.640 tỉ đồng như ở bước báo cáo tiền khả thi đã được phê duyệt.
Dự án thành phần 1 đã được UBND tỉnh Đồng Tháp khởi công ngày 25-6 vừa qua. Còn dự án thành phần 2 dài 11,4km qua tỉnh Đồng Tháp (3,8km) và Tiền Giang (7,6km) có tổng mức đầu tư 2.246 tỉ đồng, do UBND tỉnh Tiền Giang là cấp quyết định đầu tư.
Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2, tổng mức đầu tư tăng lên 3.818 tỉ đồng, tăng thêm 1.572 tỉ đồng so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 625 lập.
Cụ thể chi phí giải phóng mặt bằng tăng từ 398 tỉ đồng lên 1.255 tỉ đồng (tăng 857 tỉ đồng), chi phí xây dựng và thiết bị tăng từ 1.475 tỉ đồng lên 2.059 tỉ đồng (tăng 584 tỉ đồng), chi phí dự phòng tăng từ 255 tỉ lên 368 tỉ đồng (tăng 113 tỉ đồng)…
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, chi phí giải phóng mặt bằng tăng do ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi số liệu giải phóng mặt bằng dự kiến trên bản đồ. Còn ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi khối lượng này được tính chính xác theo hồ sơ khảo sát, thiết kế và rà soát diện tích từng loại đất, cây cối, vật kiến trúc.
Thứ hai, ở bước nghiên cứu khả thi, đơn giá bồi thường được cập nhật theo đơn giá thời điểm thực tế và khung chính sách bồi thường được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2023 nên tăng so với bước lập báo cáo tiền khả thi.
Còn chi phí xây dựng tăng vì ở bước nghiên cứu khả thi tăng 419m chiều dài cầu, tăng 5,95km đường gom; chiều sâu đất yếu tăng lên trung bình 30m, một số đoạn đến 40m và phạm vi cần xử lý đất yếu dài 9,8km.
Theo quyết định của Thủ tướng, trường hợp dự án thành phần do UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện tăng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì UBND tỉnh có trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết hiện nay ngân sách của tỉnh rất khó khăn, không còn nguồn để bố trí cho phần tăng thêm của tổng mức đầu tư dự án. HĐND tỉnh không thể thông qua nghị quyết để bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng với 3,81km dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vì Luật Ngân sách không cho phép.
UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh của dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, trình Thủ tướng phê duyệt; bố trí vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương sớm triển khai dự án thành phần 2.
Nhưng sau khi rà soát, Bộ Giao thông vận tải cho biết không thể cân đối từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ để bố trí vốn tăng thêm cho dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị cần phải có ý kiến về bố trí nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho phần tăng thêm tổng mức đầu tư của dự án để đủ cơ sở trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ngày 25-6, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1 đoạn đi qua tỉnh dài 16km, tổng mức đầu tư trên 3.600 tỉ đồng.