Từ nhiều nguồn tin khác nhau: người thân các nạn nhân, những kỹ sư có liên quan chuyến thám hiểm, nguồn tin từ những người đã đi tàu lặn Titan các chuyến trước... tờ New York Times đã dựng lại những giây phút cuối của con tàu trước khi nó biến mất dưới biển sâu.
Giấc mơ của các "chuyên gia sứ mệnh" khám phá
Lần cuối cùng bà Christine Dawood nhìn thấy chồng và con trai là khi họ bập bềnh trên một bệ nổi cách đất liền khoảng 644km để xuống tàu lặn Titan. Đó là Ngày của Cha 18-6.
Công ty OceanGate nói về chuyến đi của tàu lặn Titan bằng ngôn ngữ của du hành vũ trụ: Có “trung tâm chỉ huy”, “giám đốc sứ mệnh”, “nền tảng phóng và phục hồi (LARS)” và “đếm ngược thời gian phóng”.
Những hành khách trả tiền được gọi là "chuyên gia sứ mệnh" và công ty yêu cầu không được gọi họ là "khách hàng" hoặc "khách du lịch". Mỗi chuyên gia được phát áo sơ mi và áo khoác có thêu tên và quốc kỳ của nước họ. Một miếng logo trên ống tay áo ghi: “Thủy thủ đoàn thăm dò khảo sát Titanic”.
“Cuối cùng tôi tự hào thông báo rằng tôi đã tham gia @oceangateexped cho Sứ mệnh RMS TITANIC với tư cách là chuyên gia sứ mệnh trên tàu ngầm đi xuống tàu Titanic”, tỉ phú Harding đăng trên trang Facebook và Instagram của mình vào buổi chiều trước khi lặn.
Tỷ phú Harding, 58 tuổi, chủ tịch của Action Aviation, một công ty bán hàng và điều hành hàng không có trụ sở tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Trước đó ông đã bay vào vũ trụ với Công ty tên lửa Blue Origin của Jeff Bezos.
Các "chuyên gia sứ mệnh" phải có mặt trên boong tàu lúc 5h sáng. Đó là chủ nhật, ngày 18-6.
Cuộc họp giao ban đã thảo luận về kế hoạch và trách nhiệm. Ai nấy rất nghiêm túc. Con tàu ầm ĩ. Thủy thủ đoàn đã chuẩn bị vào phút cuối dưới nước.
Các "chuyên gia" của ngày 18-6 được thông báo sẵn sàng lúc 7h30. Suleman và Shahzada Dawood mặc bộ đồ của OceanGate cũng như quần dài không thấm nước, áo khoác không thấm nước màu cam, ủng có mũi bằng thép, áo phao và mũ bảo hiểm.
Họ dừng lại để được cân, theo yêu cầu.
Bà Christine Dawood nhớ lại câu nói của chồng mình, Shahzada: "Trông tôi khá béo. Tôi đang nóng lên rồi đây".
Còn cậu con trai Suleman Dawood nhẹ nhàng đi xuống cầu thang để vào chiếc bè có động cơ sẽ đưa hành khách đến bệ nổi nơi Titan bị cột ở đó.
Bà Christine nói: “Anh ấy cần thêm một tay đỡ để đi xuống cầu thang vì đôi ủng rất cồng kềnh". Ngay sau đó nhóm người biến mất trong Titan.
Trước đó thuyền trưởng Rush luôn khuyến nghị một “chế độ ăn ít chất cặn bã” vào ngày trước khi lặn và không uống cà phê vào buổi sáng.
Họ còn đi tất dày và mang theo mũ len vì càng xuống sâu càng lạnh, cố gắng không để chân bị ướt do hơi nước ngưng tụ trên sàn nhà.
Những giờ cuối cùng của tàu lặn Titan
Khi cửa hầm đóng lại, một bánh cóc siết chặt tất cả các bu lông. Cuối cùng, Titan rời khỏi bệ đỡ và lao xuống nước.
Titan thường hạ xuống với tốc độ khoảng 25m/phút. Nó đủ chậm để người bên trong không có cảm giác chuyển động.
Bước vào tàu lặn giống như chui qua cửa sau của một chiếc xe hơi SUV không có chỗ ngồi. Có một tấm thảm cao su trên sàn và hai tay cầm trên trần để nắm lấy.
Thuyền trưởng Rush thường ngồi ở phía sau, cách xa cửa sổ. Những người khác ngồi quay lưng vào những bức tường cong của con tàu.
Bên trong ánh sáng ban ngày trên đầu dần mờ đi. Trong vài phút nữa, Titan sẽ chìm trong bóng tối và cửa sổ sẽ là một vòng đen.
Các chuyên gia đừng mong đợi nhìn thấy bất cứ thứ gì qua cửa sổ hoặc camera bên ngoài trên đường đi xuống vì đèn pha sẽ bị tắt để tiết kiệm pin cho chuyến tham quan hoành tráng dưới đáy đại dương. Mặc dù họ vẫn có cơ hội nhìn thoáng qua các sinh vật phát quang sinh học, tạo cảm giác như rơi xuyên qua các vì sao.
Những bóng đèn lờ mờ bên trong cũng bị tắt vì lý do tương tự. Ánh sáng duy nhất sẽ phát ra từ màn hình máy tính và bút phát sáng được sử dụng để theo dõi hành trình trên giấy.
Và thuyền trưởng Rush yêu cầu tải một số bài hát yêu thích của các chuyên gia vào điện thoại để phát trên loa Bluetooth, chia sẻ với những người khác. Không có nhạc đồng quê, hãy là nhạc dịu êm, ông lưu ý.
Đó cũng là những gì người ta có thể ghi nhận trước khi tàu mất liên lạc, sau đó được xác nhận đã phát nổ do áp suất dưới biển.
Hiện các nhà điều tra vẫn đang phân tích mảnh vỡ con tàu cùng những gì còn sót lại được tìm thấy. Bằng chứng sẽ cung cấp cho các nhà điều tra thuộc một số khu vực tài phán quốc tế những hiểu biết quan trọng về nguyên nhân của thảm kịch.
Thợ lặn người Pháp chết trong tàu lặn Titan, Paul-Henri Nargeolet, đã làm việc suốt 2 thập kỷ với một công ty, thu thập được 5.000 vật phẩm của xác tàu Titanic. Nhiều cuộc tranh cãi đã bùng nổ quanh chuyện này.