Ngày 3/7, theo thông tin từ Cục Thống kê Tp.Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tiêu dùng giảm sút; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế, là một trong những nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trong tháng 6 đầu năm (tính từ ngày 16/5 đến 15/6), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 425 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với số vốn đăng ký đạt 2.136 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,9% số doanh nghiệp và 89,2% về vốn đăng ký so với tháng 5.
So với cùng kỳ, số doanh nghiệp giảm 16% nhưng tăng 37% số vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 5 tỷ đồng, gấp 1,76 lần mức 2,86 tỷ đồng một doanh nghiệp của tháng 5/2023.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp xin ngừng và tạm ngừng hoạt động vẫn ở mức cao (499 doanh nghiệp); số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động mặc dù có tăng cao so với tháng trước nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, 247 doanh nghiệp.
Tính đến ngày 15/6, toàn thành phố có 2.055 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 8.863,7 tỷ đồng, giảm 10,1% về số doanh nghiệp và giảm 32,1% về số vốn so với cùng kỳ 2022. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 324 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng 1,9% so với cùng kỳ.
Một số ngành vẫn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên số doanh nghiệp, văn phòng đại diện đăng ký tạm ngừng không ngừng tăng lên, 2.837 doanh nghiệp, tăng 15,0%; số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với 1.046 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với 541 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với số vốn giảm 2.172 tỷ đồng; tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong 5 tháng là 11.577 hồ sơ, trong đó có 9.911 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 73,0%).
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có đến 41% số doanh nghiệp được phỏng vấn nhận định tình hình SXKD quý II/2023 khó khăn hơn so với quý trước; 27% doanh nghiệp cho rằng tình hình SXKD vẫn giữ nguyên, không thay đổi và 32% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt hơn quý trước.
Về triển vọng của quý III, có 38% doanh nghiệp lạc quan nhận định tình hình sẽ tốt hơn; 28% doanh nghiệp đánh giá SXKD quý III sẽ không thay đổi so với quý II và 34% cho rằng tình hình vẫn sẽ tiếp tục tệ hơn trong quý III năm 2023.