Chiều 3-7, HĐND TP Hà Nội đã chia tổ thảo luận trong khuôn khổ kỳ họp thứ XII, HĐND TP khóa XVI.
Nên quan tâm tới "sức khỏe" của doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ 3, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho biết trong 6 tháng đầu năm, các chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) đều giảm.
Ông Đoàn cho rằng hiện các chính sách của TP đối với cộng đồng doanh nghiệp là chưa kịp thời, chưa tốt. Trong bối cảnh doanh nghiệp trên địa bàn TP đang gặp khó khăn, ông Đoàn cho rằng rất cần sự hỗ trợ của TP về cả vật chất lẫn tinh thần.
"Các doanh nghiệp bây giờ rất khó khăn, cắt giảm lao động rất nhiều, tôi đề nghị chúng ta nên có một đột phá cách mạng trong việc cải tiến cách phục vụ doanh nghiệp", ông Đoàn nói.
Ông cho rằng những năm vừa qua Hà Nội thường xuyên tổ chức gặp gỡ cộng đồng hàng trăm doanh nghiệp, tuy nhiên ông Đoàn đánh giá các cuộc gặp gỡ này "không hiệu quả".
Vì vậy, Hà Nội chỉ nên tổ chức các cuộc gặp gỡ 20 - 30 doanh nghiệp có năng lực, đại diện cho các tổ chức tham gia đóng góp ý kiến, sáng kiến cho TP.
"Tôi mong muốn Hà Nội đi đầu trong việc hướng về doanh nghiệp, nên thăm khám sức khỏe của doanh nghiệp như thế nào, bắt đầu đưa ra giải pháp. Nên tìm hiểu xem tâm tư doanh nghiệp họ như thế nào, bởi vì cộng đồng doanh nghiệp đang thực sự khó khăn", ông bày tỏ.
"Ùn tắc, ngập úng thì thành phố thông minh cái gì?"
Đóng góp ý kiến về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, vị đại diện đại biểu huyện Mê Linh cho rằng hiện Hà Nội đang hướng tới thành phố thông minh, tuy nhiên thực tế hiện nay còn cách "rất xa" so với mục tiêu trên.
"Thành phố thông minh thì không thể nào ùn tắc. Úng ngập, xử lý chất thải, môi trường như thế này thì thông minh cái gì?", ông nêu thực tế.
Để giải bài toán trên, ông Đoàn cho rằng Hà Nội nên sử dụng tư vấn nước ngoài để giải quyết vấn đề quy hoạch đô thị.
"Tôi là doanh nghiệp, tôi có hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, có lẽ chính vì sự hợp tác đó mà doanh nghiệp của chúng tôi quy mô càng ngày càng lớn và bền vững.
Những nước đi trước có năng lực thì mình nên học hỏi, chi phí có khi còn không tốn kém bằng việc mình quy hoạch manh mún", ông đề nghị.
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Văn Luyến - tổng giám đốc UDIC - cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong TP đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp.
"Hiện ở Hà Nội các lĩnh vực về đầu tư bất động sản gặp chồng chất những vướng mắc. Hai năm nay gần như không có dự án mới được triển khai, trong khi đó nhu cầu khá nhiều nhưng nguồn cung rất hiếm. Với sự leo thang giá cả thì ảnh hưởng rất lớn đến việc xây lắp", ông nói.
Trước thực tế trên, ông Luyến kiến nghị UBND TP và HĐND chỉ đạo các sở ban ngành cập nhật sát đơn giá thị trường, nhằm dự toán định mức sát thực tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Dù doanh nghiệp kêu khó, nhưng chia sẻ cùng với doanh nghiệp sau đó, ông Phạm Quang Thanh - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội - lại cho rằng các doanh nghiệp Hà Nội "không ảnh hưởng nặng nề như các tỉnh phía Nam". Ở phía Bắc, ông cho rằng có ảnh hưởng tới các ngành dệt may, da giày nhưng "không quá nặng nề".
TTO - Thành phố thông minh sẽ được đầu tư xây dựng tại huyện Đông Anh (Hà Nội) với tổng diện tích 272ha, nằm trên trục Nhật Tân - Nội Bài.