Chiều 3-7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp ông Giorgio Aliberti - đại sứ, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ.
Dấu ấn EVFTA
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Đại sứ Giorgio Aliberti đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.
Chủ tịch nước đánh giá cao Đại sứ EU trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU, nhất là việc hai bên ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thúc đẩy các thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
Nhân đây, Chủ tịch nước cũng gửi lời cảm ơn trân trọng từ phía Việt Nam với việc EU hỗ trợ vắc xin ngừa COVID-19, giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch.
Chủ tịch nước cho rằng qua đại dịch COVID-19, nhiều nước hiểu thêm về Việt Nam, luôn sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như giúp Việt Nam tăng cường hiểu biết về các nước, qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác lên tầm cao mới.
Đề cập đến việc gần đây EU có nhiều quy định tăng tiêu chuẩn về "xanh, sạch" đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định doanh nghiệp Việt đang tích cực đáp ứng các yêu cầu đó.
Việt Nam cũng đang nỗ lực rất lớn để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và mong muốn nhận được hỗ trợ về tài chính, công nghệ của các nước phát triển, trong đó có EU.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết thời gian qua Việt Nam rất nghiêm túc trong việc triển khai các quy định, khuyến cáo, hướng tới bảo đảm các điều kiện để EU dỡ bỏ thẻ vàng IUU, bày tỏ mong muốn EU đánh giá đúng và đầy đủ nỗ lực của người dân và Nhà nước Việt Nam.
Trao đổi thêm với Đại sứ Aliberti về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam luôn coi trọng quyền con người. Ngay từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945), nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực triển khai, đảm bảo cao nhất quyền con người. Hiến pháp 2013 đã quy định đầy đủ về quyền con người và hiện nay Việt Nam đang nỗ lực, kiên trì thực hiện những quyền đã được hiến định đó.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam rất tôn trọng, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Chủ tịch nước tin tưởng, trên cương vị mới, đại sứ sẽ tiếp tục đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và EU.
Sẽ tiếp tục là cầu nối giữa Việt Nam và EU
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, Đại sứ Giorgio Aliberti bày tỏ vui mừng vì trong nhiệm kỳ đã có những đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ song phương trong bối cảnh thế giới có những biến động lớn, nhất là đại dịch COVID-19.
Đại sứ Aliberti cũng bày tỏ ấn tượng về việc Việt Nam đã hỗ trợ EU khẩu trang y tế và EU hỗ trợ Việt Nam vắc xin ngừa COVID-19.
Đại sứ nhấn mạnh dấu mốc quan trọng trong nhiệm kỳ qua là việc ký kết EVFTA, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhờ đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng tích cực và các doanh nghiệp EU cũng kỳ vọng rất nhiều vào hiệp định này. Đối với EVIPA, EU đang tiếp tục thúc đẩy các nước thành viên sớm phê chuẩn hiệp định này.
Với vấn đề thẻ vàng IUU, Đại sứ Aliberti cho biết EU đang nỗ lực phối hợp với Việt Nam để giải quyết. Ông đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng và đã có sự cải thiện trong lĩnh vực này.
Đại sứ Giorgio Aliberti cũng vui mừng nhận thấy Việt Nam và EU đang hợp tác tích cực trong chuyển đổi xanh, đánh giá cao Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều này thu hút được doanh nghiệp EU.
Chia sẻ tình cảm và ấn tượng với đất nước, con người Việt Nam, đại sứ khẳng định dù trên cương vị nào cũng sẽ là cầu nối, nỗ lực đóng góp vào quan hệ giữa Việt Nam và EU.
"Tôi sẽ rất nhớ món bún chả"
Trong buổi gặp gỡ thân mật với báo chí tại Hà Nội những ngày cuối tháng 6, Đại sứ Giorgio Aliberti đã có những chia sẻ nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua tại Việt Nam.
Ông Aliberti cho biết có đôi chút đáng tiếc khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ ở Việt Nam vào đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Song, chính thời điểm khó khăn này đã giúp ông hiểu hơn về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
Chia tay thủ đô Hà Nội, chào tạm biệt Việt Nam sau 4 năm, Đại sứ Aliberti không khỏi ngậm ngùi vì ông phải rời đi khi đã bắt đầu quen thuộc với đất nước này. Ông Aliberti đã có nhiều chuyến đi qua nhiều tỉnh thành ở Việt Nam để thực hiện sứ mệnh gắn kết của một đại sứ, xây đắp cầu nối thân tình giữa EU với Việt Nam.
Khi được hỏi liệu ông sẽ nhớ gì nhất khi kết thúc nhiệm kỳ và rời Việt Nam, ông Aliberti cho biết sẽ rất nhớ hương vị đặc biệt của món bún chả Hà Nội - một món ăn mà ông khó có thể thưởng thức ở bất cứ nơi nào khác.
Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng.