Đây là nửa năm tốt nhất đối với các tỉ phú trên thế giới kể từ nửa cuối năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đợt suy thoái do COVID-19.
Theo Bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index công bố mới đây, trung bình mỗi thành viên trong bảng xếp hạng này kiếm được 14 triệu USD/ngày trong 6 tháng qua.
Mức tăng này diễn ra đồng thời với đợt phục hồi trên diện rộng của thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư đã phớt lờ tác động của việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng khu vực.
Việc các nhà đầu tư cuồng nhiệt với trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy cổ phiếu công nghệ. S&P 500 tăng 16% (S&P 500 là chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa của 500 công ty Mỹ lớn nhất) và Nasdaq 100 (gồm 100 công ty phi tài chính lớn nhất và sáng tạo nhất được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq) tăng 39% trong nửa đầu năm nay.
Tỉ phú Musk, người giàu nhất thế giới, đã kiếm thêm 96,6 tỉ USD vào giá trị tài sản ròng của mình, tính đến ngày 30-6. Trong khi đó tỉ phú Zuckerberg, CEO của Meta, bỏ túi thêm 58,9 tỉ USD.
Ngược lại, giá trị tài sản ròng của tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani giảm mạnh nhất trong khoảng thời gian 6 tháng, mất 60,2 tỉ USD.
Tỉ phú Adani, chủ tịch của Adani Group, cũng đã công bố khoản lỗ trong một ngày lớn nhất đối với bất kỳ tỉ phú nào. Ông Adani mất khoảng 20,8 tỉ USD vào ngày 27-1, sau khi người bán khống Hindenburg Research cáo buộc tập đoàn của ông gian lận kế toán và thao túng cổ phiếu - một cáo buộc mà Adani phủ nhận.
Icahn Enterprises LP của tỉ phú Carl Icahn đã giảm mạnh nhất trong một ngày, sau khi bị cáo buộc đang bán khống cổ phiếu. Giá trị tài sản ròng của Icahn giảm 13,4 tỉ USD, tương đương 57% - mức giảm phần trăm lớn nhất so với bất kỳ thành viên nào của chỉ số trong giai đoạn này.
Sau khi gặp Thủ tướng Narendra Modi, tỉ phú Elon Musk nói Ấn Độ đang thúc đẩy Tesla đầu tư một khoản lớn vào quốc gia tỉ dân có thế mạnh về năng lượng tái tạo này.