Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hai đợt thi tại 21 tỉnh/thành phố, đã có hơn 100.000 thí sinh dự thi. Các đơn vị trong hệ thống đại học này tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 tối thiểu 45%.
Đăng ký xét tuyển giảm nhưng điểm chuẩn cao
Hiện đã có 91 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển.
Trong đó, 66 đơn vị sử dụng cùng hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến của ĐH Quốc gia TP.HCM với 1.595 ngành học.
Sau hai đợt thi, hơn 40.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên cổng trực tuyến của ĐH Quốc gia TP.HCM với hơn 190.000 nguyện vọng. Trong số này, hơn 30.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các đơn vị ĐH Quốc gia TP.HCM, với gần 96.000 nguyện vọng.
Như vậy, tổng số đăng ký trên hệ thống này giảm khoảng 20.000 thí sinh, nhưng tổng nguyện vọng giảm khoảng 200.000 so với năm 2022.
Với việc số nguyện vọng đăng ký xét tuyển giảm mạnh, nhiều thí sinh trông mong điểm chuẩn phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 giảm. Nhưng thực tế không phải vậy.
So với năm ngoái, điểm chuẩn đánh giá năng lực các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay có một số ngành giảm nhẹ, vài ngành không thay đổi. Nhưng cũng có hàng chục ngành điểm vẫn tăng.
Một số ngành hot như máy tính, trí tuệ nhân tạo, truyền thông đa phương tiện, y dược, kinh doanh... có điểm chuẩn ở mức rất cao.
Đáng chú ý, lần đầu tiên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có hai ngành điểm chuẩn ở mức trên 1.000 điểm (tổng điểm bài thi 1.200 điểm). ThS Trần Vũ, trưởng phòng thông tin - truyền thông nhà trường, cho hay: "Ngành trí tuệ nhân tạo lấy 1.001 điểm và ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) lấy 1.035 điểm (tăng 34 điểm so với năm ngoái).
Đây là mức điểm cao nhất từ trước tới nay của trường và của các ngành thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Điều này cho thấy sức hút của chương trình này đối với các học sinh ưu tú trên cả nước, vì chỉ có 208 thí sinh có số điểm từ 1.001 trong cả hai đợt thi năm nay".
Hầu hết thí sinh điểm cao đã đăng ký xét tuyển
TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Số nguyện vọng trung bình mỗi thí sinh đăng ký năm nay giảm hơn so với năm ngoái.
Cụ thể, năm 2022 trung bình mỗi thí sinh đăng ký trên 6 nguyện vọng thì năm nay chỉ khoảng 4,75. Bên cạnh đó, kết quả phân tích dữ liệu sơ bộ cho thấy hầu hết thí sinh đạt điểm cao kỳ thi này đã thực hiện đăng ký xét tuyển.
Trong khi đó, nhóm thí sinh không tham gia đăng ký trên hệ thống rơi nhiều ở nhóm từ 600 - 700 điểm. Điều này cho thấy thí sinh đã cân nhắc kỹ giữa nguyện vọng và năng lực bản thân".
Theo ThS Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), đối với phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuy hồ sơ đăng ký vào trường giảm khoảng 40% so với năm 2022 nhưng chất lượng điểm của các thí sinh vào trường ở mức cao.
Biểu hiện cụ thể là những thí sinh trúng tuyển vào trường đều thuộc tốp 30% thí sinh có điểm cao nhất của kỳ thi năm nay, với điểm trung bình trúng tuyển các ngành ở mức 849 điểm.
Tỉ lệ số thí sinh có điểm từ 700 trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển phương thức này tăng 25% so với năm 2022.
Mức điểm trúng tuyển thấp nhất vào trường năm nay cũng tăng 29 điểm so với năm 2022 (năm 2022 mức điểm trúng tuyển thấp nhất là 702, năm 2023 là 731).
"Năm trước số thí sinh có điểm thi dưới mức 700 điểm khá nhiều, nhưng năm nay số thí sinh có mức điểm thấp hơn điểm chuẩn của trường đã ít hơn. Như vậy, năm nay thí sinh đã có cân nhắc kỹ và dựa vào mức điểm của mình để sát với khả năng trúng tuyển mới đăng ký" - ông Tiến nhận định.
Tại Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực từ 641 đến 934 điểm, trong đó ngành y khoa có điểm chuẩn cao nhất. Các ngành còn lại: răng hàm mặt 902 điểm, dược học 884, y học cổ truyền 780 và điều dưỡng 641.
650 điểm trúng tuyển ngành y khoa
Với các trường ngoài công lập, điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn thấp, thậm chí những ngành "hot" điểm cũng không cao.
Đáng chú ý, tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, ngành y khoa có điểm chuẩn phương thức này cao nhất cũng chỉ 650 điểm; ngành dược, giáo dục mầm non 570 điểm. Nhiều ngành ở một số trường điểm chuẩn chỉ từ 500.
Ngành "hot" điểm chuẩn cao
Điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) dao động từ 610 đến 910 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là truyền thông đa phương tiện với 910 điểm.
Bên cạnh đó còn có 8 ngành điểm chuẩn từ 800 trở lên, gồm tâm lý học (855 điểm), ngôn ngữ Anh (chương trình chuẩn 850, chất lượng cao 830 điểm), quan hệ quốc tế (chuẩn 840, chất lượng cao 835), báo chí (chuẩn 835 điểm, chất lượng cao 820 điểm), ngôn ngữ Trung Quốc (chuẩn: 800 điểm).
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng nhà trường - cho hay: "Những ngành điểm chuẩn cao năm nay vẫn là ngành "hot", thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Ở những ngành này trường xét tuyển tới mức 35-45% chỉ tiêu của ngành.
Chỉ tiêu còn lại trường chuyển cho phương thức xét điểm thi THPT, do vậy điểm chuẩn phương thức này của trường không biến động nhiều".
Đến trưa 23-6, đã có hơn 10 trường đại học phía Nam công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội.