Ngay lập tức, thông tin từ ông Wenger được làng bóng đá hưởng ứng nhiệt liệt. Điều này do luật mới hứa hẹn sẽ giảm bớt những pha ăn mừng hụt trong tiếc nuối, đồng thời gia tăng số bàn thắng của trận đấu.
Theo đó, cầu thủ bị thổi việt vị chỉ khi toàn bộ cơ thể vượt qua người đứng áp chót trong hàng thủ đối phương, thay vì "một bộ phận cơ thể có thể ghi bàn được" như trước đây.
"Khi chúng ta áp dụng VAR, luật việt vị có sẵn tạo ra vấn đề. Đã đến lúc thay đổi điều này", HLV Wenger nói khi trình bày ý tưởng của mình lên IFAB - cơ quan chịu trách nhiệm về luật bóng đá thế giới vào năm 2020.
VAR được đưa vào áp dụng rộng rãi từ năm 2018, và từ đó đến nay đã tạo nên vô số tranh cãi đúng như nhận định của HLV Wenger.
Phối hợp đẹp mắt, ghi bàn, ăn mừng trong sự vỡ òa, để rồi ngậm ngùi tiếc nuối vì VAR soi ra cầu thủ đã việt vị bởi... chóp mũi, hoặc đôi lúc là mũi giày, gót chân... Đó là tình cảnh quen thuộc của các trận đấu kể từ khi có VAR. Đến mức nhiều người đùa rằng các cầu thủ không nên mang giày mũi nhọn, hoặc cần cạo sạch tóc để tránh bị việt vị oan uổng.
Khi VAR bắt đầu được áp dụng tại Giải ngoại hạng Anh (Premier League), lằn ranh việt vị chỉ có độ dày vỏn vẹn 1 pixel, tức 0,26mm. Nhận nhiều phàn nàn, ban tổ chức Premier League - giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh - quyết định tăng độ dày kẻ vạch việt vị lên từ mùa 2021-2022.
Dù vậy, những tình huống bị tước bàn thắng đẹp mắt chỉ vì "việt vị cái mũi giày" vẫn tồn tại khá nhiều. Thống kê cho thấy trong mùa 2021-2022, có đến 32 bàn thắng bị hủy do VAR phát hiện việt vị.
Nhưng luật là luật! Và như HLV Wenger nói, những người làm bóng đá cần phải thay đổi luật để phù hợp với thực tế. Sự kết hợp giữa việt vị hiện tại và VAR đang cùng nhau làm giảm đi tính đẹp mắt của bóng đá. Chính Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin từng cảm thán: "Nếu bạn có một chiếc mũi dài, bạn sẽ bị việt vị. Tôi nghĩ nếu cầu thủ chỉ việt vị 1cm, họ không đáng bị thổi việt vị".
Ít ai biết, luật việt vị ra đời từ tận năm 1863, thời nguyên thủy của bóng đá. Từ đó đến nay, luật này chỉ mới trải qua hai phen đại tu vào năm 1925 và 1990. Ý tưởng của HLV Wenger có thể tạo nên một cuộc cách mạng thật sự. Chúng ta chưa thể vội vàng nhận định rằng bóng đá sẽ hấp dẫn hơn, đẹp mắt hơn với luật mới. Nhưng vì đưa ra ý tưởng là "giáo sư" Wenger - người đã cống hiến trọn vẹn đời mình cho bóng đá, làng bóng đá cần đón nhận nó một cách tích cực.
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định thay đổi luật việt vị và bắt đầu thử nghiệm ở một số quốc gia và các giải đấu trẻ.