Bài nghiên cứu "Ước tính tỉ lệ hủy hợp đồng cực cao trong bảo hiểm nhân thọ" trên tạp chí Rủi Ro Và Bảo Hiểm (Journal of Risk and Insurance) số tháng 12-2021 đánh giá rủi ro xảy ra với việc hủy hợp đồng hàng loạt trong bảo hiểm nhân thọ.
Bài viết nêu mức hủy hợp đồng 20% đã là cực cao và mức 40% chỉ để mô phỏng chứ chưa xảy ra trong phạm vi bài nghiên cứu gồm thị trường ở các nước châu Âu và Mỹ.
Vậy mà với thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, kết luận mới đây của Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra những con số hết sức giật mình.
Tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất có nơi lên đến 73% và những nơi thấp hơn cũng ở mức 41%, 39% và 32,4%.
Cần có những phân tích chi tiết và đánh giá tổng thể để có thể thấy được các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, với rất đông người hủy hợp đồng chịu thiệt hàng nghìn tỉ đồng cho thấy bên bán bảo hiểm đã dựa vào lợi thế thông tin, kiến thức và quyền mặc cả của mình để trục lợi người mua.
Nghiêm trọng hơn là ép mua theo kiểu mua bia thì phải kèm mồi và khách hàng phải trả thêm một khoản chi phí khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Mục tiêu của các hãng bảo hiểm là lợi nhuận. Họ muốn thu phí bảo hiểm nhiều và hạn chế tối đa việc bồi thường.
Do vậy họ tìm hiểu rất kỹ các vấn đề để có thể đưa vào các điều khoản hợp đồng dày cộp. Khi một tình huống xảy ra, công việc đầu tiên của họ là xem xét những khả năng không phải bồi thường, trước khi phải làm những bước tiếp theo.
Mục tiêu của đại lý hay người bán bảo hiểm là hoa hồng cho mình. Do vậy họ muốn bán được càng nhiều hợp đồng càng tốt. Bên bán bảo hiểm hiểu bản chất của con người thường muốn nhiều, nhưng qua loa và sợ sệt.
Do vậy các lợi ích mà người mua bảo hiểm có khả năng được nhận hoặc không bao giờ dùng đến thường được làm đậm, trong khi các điều khoản hay điều kiện được bồi thường thường được giải thích qua loa.
Thêm vào đó các phép tính phức tạp đằng sau các con số thường bị bỏ qua. Mục tiêu là tạo cảm giác cho khách hàng rằng lợi ích thì cao, chi phí thì thấp.
Nghiêm trọng hơn là việc các ngân hàng nhận làm dịch vụ bán bảo hiểm và như được phản ánh là nhiều người đi vay bị buộc vào thế phải mua bảo hiểm. Sau một thời gian không có nhu cầu hoặc không thể duy trì bảo hiểm thì hủy.
Đây thực chất là một cách thức kinh doanh không lành mạnh, trục lợi khách hàng và đẩy gánh nặng cho cả xã hội.
Vai trò của Nhà nước là sửa chữa các khuyết tật thị trường, tạo sân chơi công bằng và bảo vệ bên yếu thế hơn. Do vậy Nhà nước cần có những chính sách để đảm bảo các doanh nghiệp phải quan tâm đến lợi ích của khách hàng cũng như lợi ích của cả xã hội.
Việc quy định chặt chẽ các dịch vụ chéo giữa các tổ chức tài chính là hết sức cần thiết. Khi đã phát hiện có tình trạng ép khách vay phải mua bảo hiểm như khoản phí đi vay thì phải chấn chỉnh ngay. Không thể để tình trạng ngân hàng bán bảo hiểm với mâu thuẫn lợi ích nghiêm trọng như hiện tại.
Bộ Tài chính cho biết sẽ thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm từ nay đến cuối năm, tập trung nội dung liên kết kinh doanh của công ty bảo hiểm và các ngân hàng.