Tổng thư ký WMO, Petteri Taalas cho biết: “Sự khởi đầu của El Nino sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và gây ra nhiệt độ cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương”.
Do đó, theo WMO - cơ quan khí hậu, thời tiết và thủy văn của Liên Hợp Quốc (UN) - để cứu mạng sống và sinh kế, các chính phủ phải thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết bất ổn tiếp theo trong năm nay.
Ba năm qua là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, ngay cả với giai đoạn La Nina được đánh dấu bằng nhiệt độ đại dương mát hơn mức trung bình.
Theo WMO, hiện tượng El Nino rất mạnh và sự nóng lên do con người gây ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến năm 2016 trở thành năm nóng nhất được ghi nhận.
WMO cho biết, El Nino năm nay là năm đầu tiên phát triển trong 7 năm, cộng với sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra và có thể đẩy nhiệt độ năm 2023 hoặc 2024 phá vỡ kỷ lục năm 2016. Bên cạnh đó, có 90% khả năng El Nino sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2023 ở cường độ vừa phải.
Cùng với sự nóng lên của đại dương, các sự kiện El Nino thường liên quan đến lượng mưa tăng lên ở các vùng phía Nam của Nam Mỹ, miền Nam nước Mỹ, Sừng châu Phi và Trung Á. Nhưng nó cũng có thể khuếch đại hạn hán nghiêm trọng, sóng nhiệt và cháy rừng ở Úc, Indonesia, một số vùng ở Nam Á, Trung Mỹ và bắc Nam Mỹ.
Các tác động khác bao gồm các cơn bão nhiệt đới nguy hiểm ở Thái Bình Dương và hiện tượng tẩy trắng hàng loạt các rạn san hô mỏng manh.
Tại Ấn Độ, hiện tượng El Nino có thể làm suy yếu gió mùa vốn mang lại lượng mưa mà quốc gia này dựa vào để lấp đầy các tầng chứa nước và trồng trọt.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy El Nino năm nay cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ giá lương thực đến doanh số bán quần áo mùa đông. Nghiên cứu cho rằng thiệt hại thu nhập toàn cầu đối với El Nino 1997-1998 là 5.700 tỷ USD và 4.100 tỷ USD thiệt hại do El Nino 1982-1983.
Thế giới cũng có thể tạm thời bị đẩy qua mức nóng lên 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp - một điểm bùng phát quan trọng mà khi vượt qua đó sẽ dẫn tới khả năng xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán, cháy rừng và thiếu lương thực có thể tăng lên đáng kể.
Các quốc gia đã cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ - và tốt nhất là 1,5 độ C - so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng thế giới đã chứng kiến sự nóng lên khoảng 1,2 độ C, khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và tạo ra ô nhiễm làm nóng hành tinh.
Theo WMO, có 66% khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm gần bề mặt toàn cầu từ năm 2023 đến năm 2027 sẽ tạm thời cao hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm.
“Điều này không có nghĩa là trong 5 năm tới, chúng ta sẽ vượt quá mức 1,5 độ C được quy định trong Thỏa thuận Paris vì thỏa thuận đó đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm”, Giám đốc dịch vụ khí hậu của WMO Chris Hewitt cho biết.
“Tuy nhiên, đó là một hồi chuông cảnh tỉnh khác hoặc là một cảnh báo sớm rằng chúng ta vẫn chưa đi đúng hướng để hạn chế sự nóng lên trong phạm vi các mục tiêu đặt ra ở Paris vào năm 2015 nhằm giảm đáng kể tác động của biến đổi khí hậu”, ông cho biết.
Vô số kỷ lục khí hậu đã bị phá vỡ vào năm 2023, với nhiệt độ tăng cao, đại dương nóng bất thường và mức độ ô nhiễm carbon cao kỷ lục trong khí quyển và mức độ băng ở Nam Cực thấp kỷ lục.
Trên khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ, những đợt nắng nóng sớm và kéo dài trong năm nay đã gây thiệt hại đáng kể cho con người, động vật và mùa màng, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực và khan hiếm nước, đồng thời tạo tiền đề cho những trận cháy rừng chưa từng có.