Các anh chị em của tôi mỗi người sống một nơi. Người ở ngay ngôi nhà cha mẹ để lại, một số ở nước ngoài, tôi thì sống ở tỉnh khác.
Làm thế nào để chúng tôi chia đều tài sản cho các anh chị em, trong khi những người đang ở tại căn nhà của mẹ để lại không muốn bán. Tôi ở xa không có thời gian để giải quyết. Vậy tôi nên làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?
Độc giả Thanh Nhàn
Luật sư tư vấn
Gia đình chị có tới 10 anh chị em, trong đó có nhiều người sống ở nước ngoài và các tỉnh thành khác nhau. Do đó, trước khi chia thừa kế cần lấy ý kiến của tất cả những người được hưởng thừa kế, xem có người nào từ chối nhận di sản của cha mẹ để lại hay không. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của mọi người và bớt rắc rối khi chia di sản.
Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc từ chối nhận di sản cần được thể hiện bằng văn bản trước thời điểm phân chia di sản, gửi cho người quản lý di sản và những người thừa kế khác (có thể tiến hành công chứng theo Điều 59 Luật Công chứng 2014). Ngoài ra, đối với những người ở nước ngoài thì việc từ chối bằng văn bản cần được hợp pháp hóa lãnh sự để tiện cho việc giải quyết về sau.
Trường hợp những người ở nước ngoài muốn nhận di sản thừa kế mà không thể về nước trực tiếp giải quyết việc chia di sản thừa kế thì có thể uỷ quyền cho người khác làm đại diện. Việc uỷ quyền cũng phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP.
Tương tự, đối với chị muốn chia di sản thừa kế mà không thể trực tiếp về quê được thì cũng có thể uỷ quyền cho người khác thay mình đứng ra giải quyết.
Việc chia thừa kế cho những người muốn nhận di sản được thực hiện theo hai trường hợp sau đây:
Trường hợp các đồng thừa kế tự thỏa thuận được việc chia thừa kế
Do một số anh chị em là những người đang quản lý hoặc sống trong căn nhà cha mẹ để lại không muốn bán di sản thừa kế, nên mọi người có thể ngồi lại thỏa thuận với nhau, chia di sản thừa kế theo hai cách:
Cách 1: Các đồng thừa kế lập Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng theo quy định) để cùng hưởng di sản thừa kế - tức cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người được hưởng di sản và cấp cho mỗi người một Giấy chứng nhận. Trường hợp các anh chị em đồng ý thì có thể cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. (Theo khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất).
Cách 2: Các anh chị em trong gia đình có thể thỏa thuận với nhau về việc chia di sản thừa kế thành nhiều phần bằng nhau tương ứng với giá trị mỗi người được nhận. Những anh chị em nào muốn quản lý, sử dụng, sở hữu di sản phải thanh toán lại giá trị phần thừa kế của những người còn lại.
Nếu các anh chị em có thể thỏa thuận được với nhau về việc chia thừa kế theo cách khác thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các đồng thừa kế và hạn chế phát sinh tranh chấp thì việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nên lập thành văn bản có công chứng theo quy định. (Điều 57 Luật Công chứng năm 2014).
Trường hợp các đồng thừa kế không tự thỏa thuận được với nhau
Các đồng thừa kế có thể nộp đơn khởi kiện tại TAND tỉnh nơi có nhà đất tranh chấp. Do các anh chị em trong gia đình chị có người sống ở nước ngoài nên thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án cấp tỉnh (theo khoản 3 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Tòa án sẽ căn cứ vào việc kê khai di sản, người quản lý di sản thực tế, quy định của pháp luật, sự thỏa thuận của các đồng thừa kế... để đưa ra phán quyết phù hợp.
Nếu các đồng thừa kế thỏa thuận được với nhau về phần mỗi người được hưởng thì việc chia di sản được thực hiện theo thỏa thuận của họ và được tòa ghi nhận. Trường hợp các đồng thừa kế không có thỏa thuận được về phần mỗi người được hưởng thì tòa chia theo quy định của pháp luật.
Quá trình tòa thụ lý giải quyết, nếu chị và các anh chị em khác sống ở nước ngoài hoặc thành phố khác không thể tham gia tố tụng, thì có thể uỷ quyền cho người khác đại diện tham gia.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha
Xem thêm: lmth.9605264-oan-eht-ek-auht-aihc-ion-tom-iougn-iom-me-ihc-hna-01/ten.sserpxenv