Ảnh minh họa. Nguồn: bbc.com
Các quy định hậu Brexit yêu cầu các nhà sản xuất xe châu Âu đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn đối với xe điện, tức tỷ lệ phụ tùng có nguồn gốc từ Anh hoặc Liên minh châu Âu (EU) cần cao hơn trước.
Nếu không đáp ứng được yêu cầu này kể từ năm 2024, các nhà sản xuất có thể mất tới 4,3 tỷ euro (tương đương khoảng 4,7 tỷ USD), đồng thời có thể giảm sản lượng gần 500.000 xe.
Theo thỏa thuận thương mại mà EU và Anh đạt được thời hậu Brexit, bắt đầu từ năm 2024, tỷ lệ nội địa hóa trong xe điện cần đạt ít nhất 45%, tức 45% bộ phận của xe điện có nguồn gốc của EU hoặc của Anh, và 50-60% thành phần pin là do EU hoặc Anh sản xuất.
Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, xe điện vận chuyển giữa Anh và EU sẽ phải chịu áp thuế nhập khẩu ở mức 10%. Với mức thuế theo quy định mới như vậy, các nhà sản xuất xe hơi châu lục có thể sẽ phải chi trả số tiền thuế lên đến khoảng 4,3 tỷ euro cho Chính phủ Anh trong vòng 3 năm và ngành sản xuất xe của châu lục có thể cắt giảm sản lượng lên đến 480.000 xe. Anh chiếm gần khoảng 25% xuất khẩu xe điện của EU.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) đã kêu gọi hoãn triển khai các quy định nói trên trong vòng 3 năm, tức bắt đầu từ năm 2027 thay vì năm 2024. Hiệp hội lập luận cần có lộ trình để xây dựng năng lượng cung ứng pin cho xe điện ở châu Âu. Cho đến thời điểm này, các nhà sản xuất xe hơi của "Lục địa Già" vẫn phụ thuộc vào nguồn cung ứng pin và nguyên vật liệu nhập khẩu từ châu Á.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, ACEA đã khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) xem xét lại các quy định về xuất xứ pin xe điện, đồng thời đề nghị ủy ban xem xét hoãn thực thi các quy định này với Anh trong vòng 3 năm. Các thành viên của ACEA cho rằng họ chỉ có thể đáp ứng được các quy định mới đối với 10% số xe điện mà họ sản xuất kể từ năm 2024.
Nếu EC không chấp thuận việc hoãn thực thi thì nguy cơ là các ngành công nghiệp xe ô tô của châu lục sẽ bị thua trước đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc và các nước khác. Trong khi đó, quan điểm của EC là những quy định mới như vậy nhằm hỗ trợ kế hoạch phát triển chuỗi giá trị sản xuất pin bền vững trong khối và rằng Brexit đã làm thay đổi mối quan hệ thương mại với Anh.
Được biết, việc thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất pin bền vững và cạnh tranh là một phần trong chiến lược chuyển đổi số và năng lượng sạch của châu Âu. EC đã đặt mục tiêu đưa châu Âu thành nhà lãnh đạo dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và sử dụng pin bền vững./.