Ngày 5-7, báo South China Morning Post dẫn thông tin từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc cho biết hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) đã không hiệu quả trong việc loại bỏ các đồng vị phóng xạ như triti hay carbon-14 trong nước nhiễm xạ tại khu vực Nhà máy Fukushima Daiichi.
Do đó, Trung Quốc cho rằng cần phải thử nghiệm thêm để xác định xem đã loại bỏ các chất phóng xạ hay chưa.
Ngày 4-7, sau 2 năm đánh giá, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố kế hoạch xả nước nhiễm xạ của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và có "tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường".
Ngày 5-7, có mặt tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi tái khẳng định tuyên bố này.
Tháng 5-2023, các nhà lãnh đạo nhóm G7 cho biết họ ủng hộ đánh giá độc lập của IAEA, để đảm bảo quy trình xả thải phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói họ "lấy làm tiếc về việc IAEA công bố báo cáo một cách vội vàng".
Ông Deng Ge, tổng thư ký của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc, khẳng định IAEA không phản ánh đầy đủ quan điểm của các chuyên gia tham gia đánh giá, đồng thời các kết luận còn hạn chế và phiến diện.
"Ngay cả khi IAEA tin rằng việc xả nước thải nhiễm xạ ra biển đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, họ cũng không thể chứng minh rằng việc xả thải là lựa chọn duy nhất hoặc tốt nhất để xử lý nước nhiễm xạ", ông Deng Ge nói.
Ông Deng Ge nhận định IAEA đã đánh giá dựa trên thông tin do phía Nhật Bản cung cấp.
"Với việc chưa thể chứng thực tính chính xác của dữ liệu, kết luận của IAEA không thuyết phục", ông Deng Ge nói.
Tổng thư ký Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc cho biết thêm phía Nhật Bản cũng không chứng minh được việc xả nước nhiễm xạ không gây hại cho môi trường biển hay sức khỏe người dân.
Theo ông Deng Ge, nước nhiễm xạ chứa hơn 60 đồng vị phóng xạ, trong đó có nhiều loại chưa có công nghệ xử lý hiệu quả. Một số đồng vị phóng xạ tồn tại lâu dài có thể gây ra những tác động tiềm ẩn đối với môi trường biển của các quốc gia xung quanh và gây ra các mối đe dọa đối với an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.
Vấn đề nước thải nhiễm xạ của Nhật Bản phát sinh sau khi trận động đất mạnh 9 độ và sóng thần sau đó vào năm 2011 làm hỏng hệ thống làm mát của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Hiện tại, có khoảng 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ được giữ trong hơn 1.000 bể chứa tại Nhà máy điện Fukushima Daiichi. Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị xả số nước đã xử lý ra biển.
Chính phủ Nhật Bản đã đánh giá 5 phương án để xử lý nước thải, bao gồm làm bay hơi vào khí quyển, thải ra biển và bơm vào các tầng địa quyển sâu. Nhưng họ phát hiện ra rằng xả ra biển là giải pháp rẻ và nhanh nhất.
Hàn Quốc tôn trọng IAEA khi cơ quan này chấp thuận cho Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ở Fukushima ra biển, và tiếp tục trấn an nguồn nước xả ra biển an toàn.