Việc các cơ quan thuế địa phương yêu cầu doanh nghiệp (DN) giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với những DN thuộc diện có rủi ro về thuế, chứ không chỉ với 524 DN theo danh sách kèm công văn 1798 của Tổng cục Thuế, khiến nhiều DN lúng túng, bức xúc.
Bởi trong lúc mua hàng hóa, DN bên bán vẫn còn đang hoạt động, kiểm tra trên hệ thống thông tin của cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn cho thấy tình trạng của DN là "đang hoạt động", trên hệ thống hóa đơn điện tử cũng chưa thấy hóa đơn của những DN này bị thu hồi. Thế nhưng, khi DN bán hàng bị phát hiện không còn hoạt động, DN có các hóa đơn mua hàng hóa từ DN bỏ trốn phải giải trình.
Việc giải trình với cơ quan thuế hàng loạt nội dung như cung cấp bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào; hợp đồng kinh tế, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, chứng từ thanh toán; cung cấp chứng từ có liên quan đến việc ghi nhận chi phí được trừ; mục đích sử dụng các mặt hàng của DN bỏ trốn... khiến không ít DN mua hàng rất mất thời gian, công sức và có nguy cơ bị xử phạt oan.
Trách nhiệm quản lý các DN đã bỏ trốn sau khi bán hàng thuộc về cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh nên không thể buộc DN mua hàng phải chịu trách nhiệm, bị áp các hình thức chế tài như không được khấu trừ thuế, không được hạch toán chi phí mua hàng thành chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN... Bởi các DN mua hàng không thể "tác động" để DN bán hàng đừng có bỏ trốn, cũng không dự báo được bên bán có bỏ trốn hay không.
Trước đó, ngày 18-11-2005 Tổng cục Thuế từng có công văn (số 4215) về việc xử lý đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mà thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế, nhưng các cơ quan chức năng đã có kết luận đó là các hóa đơn bất hợp pháp, DN sẽ không được khấu trừ chi phí. Điều này đã bị nhiều DN phản ứng mạnh, DN không biết DN mà mình mua hàng hóa khi nào bỏ trốn.
Có thể nói, việc sử dụng công văn trong quản lý lĩnh vực của mình gần như là "đặc sản" của ngành thuế, trong khi đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 điều 3 và điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thế nhưng, cứ mỗi lần cơ quan thuế ban hành công văn dạng như thế này lại làm xôn xao cộng đồng DN, làm khốn khổ hàng ngàn DN!
Không thể chấp nhận các DN có những hành vi tiếp tay cho việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp hoặc cố tình sử dụng hóa đơn của DN bỏ trốn để khấu trừ tiền thuế. Việc làm này không những gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà có những dấu hiệu cấu thành tội trốn thuế, tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, không chỉ vì một số DN vi phạm mà phải bắt hàng ngàn DN ngay tình, làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật phải giải trình. Giữa lúc bộn bề khó khăn DN rất cần những chính sách hỗ trợ như giảm thuế nhằm hà hơi tiếp sức cho DN hoặc ít ra tạo thuận lợi cho DN chứ không phải bắt DN bỏ công ăn việc làm để tới lui giải trình như hiện nay. Đừng để "một con sâu mà làm rầu nồi canh"!
Sau khi phản ánh tình trạng doanh nghiệp "khóc ròng" vì giải trình hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn (Tuổi Trẻ 30-6), nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục phản ảnh những bức xúc, ấm ức đang gặp phải.