Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song các doanh nghiệp (DN) TP HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, nhiều DN đã chủ động tìm kiếm, ký kết được đơn hàng trong những tháng đầu năm.
Lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: NGỌC ÁNH
Nhiều tín hiệu khởi sắc
Ngành sản xuất công nghiệp được coi là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2023 khi đang có xu hướng phục hồi rõ rệt. Thống kê của Sở Công Thương TP HCM cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nửa đầu năm ước tăng 1,9%; sản lượng công nghiệp ước tăng 4,49% so cùng kỳ năm ngoái. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN ở TP HCM những tháng gần đây đã có sự cải thiện so với đầu năm. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho rằng trong những tháng cuối năm, việc TP HCM và cả nước đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, trong đó có sự kiện khởi công dự án đường Vành đai 3, sẽ góp phần tạo cú hích cho nền kinh tế, tăng "vốn mồi" của toàn xã hội. "Kinh tế TP HCM trong 6 tháng cuối năm dù chưa thể tăng trưởng mạnh như trước nhưng sẽ tích cực hơn. Chúng tôi đã có những đối tác mới, thị trường mới với triển vọng tốt. Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM mới được thông qua đã tạo thêm hứng khởi, sự kỳ vọng cho nền kinh tế" - ông Hiến bày tỏ.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá trong 6 tháng đầu năm, cộng đồng DN TP HCM nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, ngành. Trong đó, nổi bật là các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng, giảm lãi vay và tăng đầu tư công. Bên cạnh đó, sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ của lãnh đạo thành phố qua các buổi gặp mặt DN cũng có ý nghĩa động viên DN vượt khó khăn, gia tăng niềm tin của DN.
"Nhờ các chính sách hỗ trợ cùng cơ chế thu hút đầu tư cởi mở và điều hành linh hoạt, DN lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng ổn định và đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước" - ông Vũ nói.
Chỉ số về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn TP HCM 6 tháng đầu năm 2023. Đồ họa: ANH THANH
Kỳ vọng tạo sức bật
Theo báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển vọng 6 tháng cuối năm 2023 của nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 316,7 tỉ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 12,1% và nhập khẩu giảm 18,2%. Riêng tại TP HCM, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 19,42 tỉ USD, giảm 22,4%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,55 tỉ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS Cấn Văn Lực, bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có triển vọng tích cực, đó là cán cân thương mại cả nước thặng dư 12,25 tỉ USD, góp phần giúp ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sức cầu sản xuất còn yếu trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu chưa phục hồi đáng kể.
TS Cấn Văn Lực góp ý TP HCM cần quan tâm hỗ trợ DN chịu tác động tiêu cực từ sự suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bằng một số biện pháp như: khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường; cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy... Đồng thời, cần quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, rào cản đối với DN trong vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn và nguồn lao động.
Giám đốc một DN xuất khẩu trái cây tại TP HCM nhận định tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ thuận lợi hơn với đơn hàng tăng lên. Hầu hết các thị trường nhập khẩu đều bước vào mùa hè nên nhu cầu du lịch và tiêu dùng cũng nhiều hơn.
Đặc biệt, các thị trường như châu Âu, Úc, Trung Đông... vẫn có nhu cầu tiêu thụ rau quả cao với các mặt hàng chủ lực như sầu riêng tươi, sầu riêng cấp đông, chanh leo, thanh long... Nhiều DN trong ngành này có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong năm nay nhờ tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại các nước đối tác.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tồn kho tại các thị trường nhập khẩu đang giảm và mùa mua sắm cao điểm cuối năm đang đến nên DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến cuối năm có triển vọng khá lạc quan. Chỉ tính riêng ngành tôm, thị trường lớn nhất là Mỹ đã ghi nhận 3 tháng tăng trưởng liên tục, tháng sau cao hơn tháng trước - từ xuất khẩu 2.423 tấn trong tháng 2 tăng lên 3.665 tấn trong tháng 4-2023. Với việc các nhà nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ của Mỹ bắt đầu xem xét việc tăng nhập hàng trở lại, giá tôm có thể tăng lên sau khi chạm đáy.
Cần thêm nhiều hỗ trợ
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của cộng đồng DN TP HCM, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), kiến nghị TP HCM chú trọng xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành giải quyết sớm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực mới để phát triển kinh tế song song với ưu tiên tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN.
"Tình hình vay vốn của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Lãi suất vay hiện nay hầu hết trên 10%/năm. Đây là chi phí vay rất cao trong bối cảnh thị trường khó khăn. Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước có phương án giảm lãi vay về mức phù hợp - dưới 8% - thông qua giảm lãi suất tiền gửi, chi phí vay và khống chế tỉ suất lợi nhuận ròng của ngân hàng thương mại là 3%. Cùng với đó, xem xét chính sách gia hạn nợ, ân hạn nợ, thế chấp tài sản..." - đại diện HUBA kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho hay ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP HCM. Cụ thể, thực hiện tốt chương trình tín dụng cho vay đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực, trong đó có nhóm DN nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn... cùng chính sách cho vay bình ổn thị trường; cho vay kích cầu đầu tư... "Việc thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng sẽ bảo đảm hỗ trợ DN và có tác động chung đến thị trường, giúp kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh" - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Lo doanh nghiệp rời thị trường
Dù có nhiều dấu hiệu lạc quan song các khảo sát của HUBA trong 6 tháng đầu năm cho thấy hầu hết hoạt động kinh doanh của DN đang không thuận lợi và khả năng phát triển trong các quý tiếp theo khá khó khăn. "Khả năng số lượng DN tiếp tục rút khỏi thị trường sẽ gia tăng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách" - ông Nguyễn Phước Hưng lo ngại.
Xem thêm: mth.19355641250703202-ahp-tub-mch-pt-et-hnik-ohc-ioh-oc/et-hnik/nv.moc.dln