"Nếu NATO ngừng vận chuyển vũ khí của họ tới Ukraine ngay bây giờ thì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc chỉ sau vài ngày" - cựu tổng thống Nga Medvedev trả lời phỏng vấn Hãng tin Tass (Nga) hôm 5-7.
Ông Dmitry Medvedev - cựu tổng thống, cựu thủ tướng, và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - đổ lỗi cuộc xung đột giữa Matxcơva và Kiev kéo dài quá lâu là do phương Tây vẫn tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraine.
"Nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chủ yếu là Mỹ và các đồng minh, ngừng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine thì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ kết thúc chỉ sau vài tháng" - ông Medvedev nói với Hãng tin Tass.
Cựu tổng thống Nga cũng cho rằng cuộc chiến này vẫn có thể kết thúc trong "vài ngày" nếu Washington và các đồng minh ngừng gửi vũ khí tới Ukraine ngay bây giờ.
Ông Medvedev nói bất kỳ cuộc chiến tranh nào, bất kể quy mô ra sao, cũng có thể kết thúc rất nhanh chóng "nếu một hiệp ước hòa bình được ký kết hoặc nếu một bên làm điều giống người Mỹ đã làm vào năm 1945, đó là sử dụng vũ khí hạt nhân và oanh tạc các thành phố của Nhật Bản".
Đến nay không có dấu hiệu thực sự nào về một lối thoát cho xung đột Nga - Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều không cho thấy dấu hiệu sẽ lùi bước ở một trong những cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2.
Ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cao cấp tại tổ chức RAND, nhận định: "Sự thù địch giữa Nga và Ukraine có thể khiến cuộc xung đột này tiếp diễn trong một thời gian dài".
Các nhà phân tích nhìn chung đều đồng ý rằng hiện nay Nga và Ukraine khó đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến.
Với Tổng thống Putin, việc bị coi là nhượng bộ và rút lui dễ dàng khỏi cuộc chiến - mà chính ông đã khởi động và cũng theo ông là có thể dễ dàng giành chiến thắng - là điều khó chấp nhận.
Đối với Tổng thống Zelensky, việc nhượng bộ là điều không thể chấp nhận. Một cuộc khảo sát với người Ukraine vào tháng 9-2022 cho thấy họ kiên định từ chối nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Những đe dọa từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine ngày càng hiện hữu khi gần đây các bên lên tiếng tố giác lẫn nhau về khả năng phá hoại. Nơi này chẳng khác 'quả bom hạt nhân nổ chậm' trên cạn.