Sáng 6-7, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ông Phan Quý Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh - vừa có chuyến khảo sát thực tế, kiểm tra thông tin việc đào vàng trái phép ở vùng A Lưới (Thừa Thiên Huế) gây đổi màu nước ở sông Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Chuyến đi này có các ban ngành liên quan của Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị. Đoàn khảo sát đã đến khu vực có các mỏ đất nghi là địa điểm khai thác vàng trái phép ở 2 xã Hồng Thủy và Hồng Vân của huyện A Lưới để kiểm tra.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, trước đây khu vực này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò vàng cho Công ty cổ phần Đông Trường Sơn.
Sau khi kết thúc thời hạn thăm dò vào tháng 5-2017, công ty đã di dời toàn bộ máy móc, thiết bị và rời khỏi địa phương nhưng không thông báo cho chính quyền sở tại biết. Do khu vực nằm ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong công tác quản lý nên một số người dân của xã Hồng Thủy và xã Hồng Vân đã lén đào vàng trái phép bằng công cụ thủ công.
Tuy nhiên thời điểm đoàn công tác đến hiện trường thì không còn dấu hiệu của tình trạng đào vàng trái phép, mà chỉ còn những dấu vết đào bới đã cũ.
Sau khi kiểm tra, ông Phan Quý Phương khẳng định thời gian gần đây không có chuyện người dân đào vàng trái phép. Những dấu vết khai thác ở hiện trường quá cũ, thậm chí một số điểm cây cối đã mọc xanh tươi.
Liên quan đến việc nước từ khu vực khai thác vàng trái phép trước đây chảy vào sông Đakrông (Quảng Trị) làm màu nước đỏ đục, ông Phương nhận định rằng có thể do mưa lớn làm sạt lở đất gây đục màu nước ở thượng nguồn.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận những nội dung sau khi cùng đi kiểm tra thực địa tại hiện trường, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thường xuyên nắm và trao đổi thông tin với phía Thừa Thiên Huế khi xuất hiện các vấn đề liên quan.
TTO - Thực trạng này được ông Vũ Văn Thẩm - bí thư huyện ủy Phú Ninh - nêu ra tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về vấn đề khai thác vàng trái phép ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.