Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, khi nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, người dân, doanh nghiệp thủy sản phải đăng ký để được cấp mã số cơ sở nuôi. Quy định là vậy nhưng đến nay, tỷ lệ được cấp mã số, cơ sở nuôi trồng thủy sản còn khá hạn chế gây trở ngại cho việc truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Theo thống kê từ Cục Thủy sản, riêng khu vực ĐBSCL có gần 495.000 cơ sở nuôi tôm nước lợ thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, 8 tỉnh ven biển ĐBSCL có nuôi tôm nước lợ mới cấp được gần 2.000 cơ sở.
Tỷ lệ cấp mã số cơ sở nuôi thủy sản còn thấp. Ảnh minh họa.
Đối với cá tra, việc cấp mã số vùng nuôi được thực hiện tốt hơn, đến nay có 1.200 trên 6.500 ao nuôi trong toàn vùng được cấp mã số cơ sở nuôi.
Tỷ lệ cấp mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản thấp, cũng diễn ra ở nhiều vùng nuôi khác trên cả nước. Hiện nay việc triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi, trồng đến người dân còn chậm. Các địa phương và người dân chưa hiểu rõ mục đích, lợi ích của việc đăng ký cấp mã số cho vùng và các cơ sở nuôi trồng.
Vướng mắc trong cấp mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản
Lý giải về nguyên nhân khiến việc cấp mã số vùng nuôi thuỷ sản còn chậm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết truy xuất nguồn gốc của ao nuôi tôm đang chịu ảnh hưởng của Luật Đất đai do đó cần có những kiến nghị để sửa Luật Đất đai. Bên cạnh đó, đây không chỉ là việc của riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà còn là của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Với gần 30 năm thâm niên nuôi tôm thẻ chân trắng, đến nay diện tích nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Thanh Long ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã phát triển lên gần 1 ha. Tuy nhiên, đến nay, ông Thanh vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất, mặt nước đối với diện tích này.
Ông Nguyễn Trọng Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An, Phú Yên cho biết: "Hiện nay số được có sổ đỏ được cấp còn rất ít, hầu hết là các hộ chưa được cấp cho nên khi tiến hành cấp mã số vùng trồng cũng gặp khó khăn. Huyện cũng gặp khó khăn và đang chờ đề án quy hoạch vùng nuôi mới sắp xếp cụ thể được".
Việc cấp mã số cơ sở nuôi là một trong những điều kiện để thủy sản xuất khẩu thuận lợi. Ảnh minh họa.
Tỉnh Phú Yên hiện có gần 7.000 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 hộ nuôi các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích gần 2.000 ha ao, đìa. Tuy nhiên, tính đến nay, địa phương này chỉ mới cấp mã số vùng nuôi cho 3 doanh nghiệp thủy sản với tổng diện tích khoảng 73 ha. Tỷ lệ này quá ít so với tổng diện tích gần 3.000 ha nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
"Hầu như bà con mình không đủ hồ sơ để được cấp mã số, trong đó thủ tục chính là giấy tờ giấy chứng nhận được giao quyền sử dụng đất để nuôi trồng thuỷ sản", bà Lê Thị Hằng Nga - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho hay.
Mặc dù ngành thủy sản tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân đăng ký cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi, nhưng đến nay phần lớn các hộ nuôi tôm ở Phú Yên vẫn chưa thực hiện.
Đẩy nhanh việc cấp mã số cơ sở nuôi thủy sản
Việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng thuỷ sản cũng giống như cấp "giấy khai sinh" cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của các địa phương. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Vì thế cần có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Thực tế cho thấy, hiện nay các nước nhập khẩu rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, việc cấp mã số cơ sở nuôi là một trong những điều kiện để con tôm xuất khẩu thuận lợi.
Ông Lê Hữu Tình - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Phú Yên cho biết: "Xu thế thời đại bây giờ tập trung sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu. Việc xuất khẩu đi các nước họ đòi hỏi phải có những quy định. Việc chúng ta cấp mã số cho ao nuôi, vùng nuôi đây là một việc làm rất cần thiết, cấp bách cho các vùng nuôi".
Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu về đảm bảo truy xuất nguồn gốc, việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản cần được đẩy nhanh hơn nữa để tạo đà tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản. Để làm được điều đó cần sớm tháo gỡ những vấn đề, vướng mắc liên quan để sớm cấp được nhiều mã số vùng nuôi thủy sản, tạo cơ sở pháp lý và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
"Giải pháp trước mắt là xử lý những vướng mắc trong thời gian vừa qua đó là hồ sơ về giấy tờ đất cũng như cấp mặt nước, mặt biển để nuôi trồng thuỷ sản cho bà con mình. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để đi tuyên truyền, vận động bà con hiểu và thực hiện tốt quy định này", bà Lê Thị Hằng Nga - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết.
Việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng thuỷ sản cũng giống như cấp "giấy khai sinh" cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của các địa phương. Ảnh minh họa.
Cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp mã số cơ sở vùng nuôi thủy sản, mỗi người dân tham gia nuôi trồng thủy sản cũng cần nhận thức rõ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi là việc làm cần thiết để tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thủy sản, từ đó khẳng định thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp và chính người nuôi tôm cần phải nhận thức rõ lợi ích, tầm quan trọng và cấp thiết của việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi. Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho công tác xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm tôm, từ đó khẳng định thương hiệu cho ngành hàng tôm của Việt Nam trên thị trường thế giới.
VTV.vn - Đơn hàng xuất khẩu giảm 20 - 50%, trong khi chi phí sản xuất tăng cao. Điều này khiến các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối diện với khó khăn, thách thức chưa từng có.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.50244253160703202-paht-noc-nas-yuht-ioun-os-oc-os-am-pac-el-yt/et-hnik/nv.vtv