Phần lớn các nước đang phát triển có thu nhập thấp ngày nay đã ở trong hoặc gần đến mức kiệt quệ nợ nần.
Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất của của thế giới - Mỹ và Trung Quốc - được dự đoán sẽ chứng kiến nợ công tăng vọt ở mức cao hơn so với trước đại dịch.
52 quốc gia đang phát triển lâm cảnh nợ "ngặt nghèo"
Theo đài Al Jazeera, di dịch COVID-19 đã phá hủy hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Hệ quả là nợ công toàn cầu tăng cao nhất trong một năm từ 84% GDP vào cuối năm 2019 lên 100% một năm sau đó.
Các quốc gia nghèo hơn, bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, phải phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay bên ngoài để tồn tại.
Khoảng 60% các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp hiện ở trong tình trạng rủi ro cao hoặc lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, và đã hoặc sắp bắt đầu quá trình tái cấu trúc nợ. Con số này là 40% trước đại dịch.
Tổng cộng 52 quốc gia đang phát triển - nơi có một nửa dân số thế giới sống trong cảnh nghèo cùng cực - đang phải đối mặt với các vấn đề nợ nghiêm trọng và chi phí đi vay cao.
Tình hình nợ nần càng trầm trọng hơn sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, dẫn đến sự gia tăng giá hàng hóa và thực phẩm toàn cầu.
Ông Ugo Panizza, giáo sư kinh tế tại tại Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển Geneva (Thụy Sĩ), cho biết: “Bây giờ, lạm phát tăng trở lại có nghĩa là các ngân hàng trung ương lớn đã tăng lãi suất, khiến chi phí trả nợ trở nên đắt đỏ và đây là vấn đề đối với các nước thu nhập thấp và trung bình”.
Đồng tiền của Ghana, đồng cedi, đã mất hơn 50% giá trị từ tháng 1 đến tháng 10-2022, khiến gánh nặng nợ của Ghana tăng thêm 6 tỉ USD. Ghana đã vỡ nợ hầu hết các khoản nợ nước ngoài vào tháng 12-2022.
Hiện Ghana đang đặt mục tiêu giảm một nửa khoản trả nợ nước ngoài trị giá 20 tỉ USD trong ba năm tới, để đảm bảo hợp đồng vay 3 tỉ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) như một phần trong quá trình tái cơ cấu nợ.
Tuy nhiên, Ghana, Sri Lanka, Zambia và hàng chục quốc gia khác đang mấp mé bờ vực vỡ nợ.
Ai là chủ nợ?
Theo truyền thống, các nước nghèo hơn chủ yếu vay từ cái gọi là Câu lạc bộ chủ nợ Paris gồm 22 nước thành viên, hầu hết là các nước giàu như Mỹ, Anh, Úc và Đức. Ngoài ra họ còn vay ở các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Phi.
Tuy nhiên trong 20 năm qua, Trung Quốc và các trái chủ tư nhân đã trở thành những người cho vay đáng kể đối với các nước nghèo.
Tỷ lệ nợ nước ngoài của các nước có thu nhập thấp và trung bình đối với các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris đã giảm từ 28% năm 2006 xuống còn 11% vào năm 2020.
Trong cùng thời kỳ, tỉ lệ cho vay nợ của Trung Quốc tăng mạnh, từ 2% lên 18%.
Mặt khác, tỷ lệ trái phiếu châu Âu - trái phiếu quốc tế có mệnh giá bằng đồng tiền khác với đồng tiền của quốc gia phát hành - được bán cho các tổ chức cho vay tư nhân tăng từ 3% lên 11%.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện là quốc gia chủ nợ song phương lớn nhất đối với hơn một nửa trong số 73 quốc gia tham gia "Sáng kiến của G20 đình chỉ dịch vụ trả nợ". Chẳng hạn, Trung Quốc đang nắm giữ hơn một nửa số nợ nước ngoài của Zambia. Trong khi, Sri Lanka nợ Trung Quốc 10% trên tổng số nợ nước ngoài của quốc gia Nam Á này.
Theo sáng kiến của các nước G20, từ tháng 5-2020 đến tháng 12-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những quốc gia đang mắc nợ sẽ được tạm đình chỉ việc chi trả.
TTO - Hơn 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, tổng số nợ toàn cầu đã đạt mốc kỷ lục 251.000 tỉ USD, tương đương "công dân toàn cầu" (bất kể nam, phụ, lão, ấu) nợ 32.500 USD/người.