Theo Cục Thống kê TP HCM, trong 6 tháng đầu năm, khu vực thương mại - dịch vụ đóng góp đến 89% vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) khi tăng tới 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm nhấn là doanh thu từ hoạt động lưu trú và ăn uống đạt 51.073 tỉ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ, phản ánh sự nhộn nhịp trở lại của khách du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí ở thành phố.
Du lịch dẫn đầu cả nước
Số liệu của Sở Du lịch TP HCM cũng cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay khách quốc tế đến ước đạt hơn 1,94 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ năm trước; khách nội địa ước đạt hơn 16,4 triệu lượt, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước… Doanh thu du lịch ước đạt hơn 80.000 tỉ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm ngoái và dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này.
Có được những kết quả này là nhờ ngành du lịch TP HCM đã tích cực thúc đẩy phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó có một số sản phẩm thu hút khách trung và cao cấp, có chi tiêu cao như: khách đường thủy, khách đoàn (MICE), khách đánh golf. Thành phố cũng tổ chức nhiều sự kiện du lịch kết nối với văn hóa tạo được điểm nhấn, thu hút khách trong và ngoài nước như Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch và sắp tới là Lễ hội Sông nước và Hội chợ Triển lãm du lịch quốc tế ITE…
Du khách nước ngoài tham quan TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhận định công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục được triển khai là một trong những yếu tố góp phần giúp TP HCM tăng trưởng cao hơn trước dịch. "Để đón khách nhiều hơn, ngành du lịch thành phố cần tận dụng các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ như nới lỏng điều kiện visa, giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%. Cụ thể, TP HCM cần khai thác mạnh thị trường khách có kết nối hàng không đã hoạt động lại gần 100% so với trước đại dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Đẩy mạnh khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Trung Đông và hưởng ứng tích cực các chương trình kích cầu chung trên địa bàn trong nửa cuối năm" - bà Phương Hoàng nói.
Chính sách visa mới được kỳ vọng sẽ góp phần tạo cú hích cho ngành du lịch khi chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing và Truyền thông Công ty Du lịch TSTtourist, cho rằng khi thời gian lưu trú được tăng từ 15 ngày lên 45 ngày đối với du khách được miễn visa hoặc áp dụng visa điện tử lên tối đa 90 ngày, doanh nghiệp (DN) du lịch sẽ có cơ hội xây dựng các sản phẩm du lịch mới dài ngày hơn nhằm kích thích chi tiêu của khách và giữ chân du khách tốt hơn. Chính sách này cũng là cơ sở quan trọng để DN lữ hành thay đổi, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm mới ở các thị trường tiềm năng lẫn thị trường truyền thống.
Hiện tại, TP HCM đang nỗ lực hình thành các sản phẩm mới và kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm mới để phục vụ du khách. Ngành du lịch cũng đang phối hợp các quận, huyện và DN làm mới các sản phẩm đã có để thu hút du khách. Mới đây, UBND quận 4 cũng phối hợp với Sở Du lịch công bố sản phẩm du lịch đặc trưng mới hay UBND quận 10 ra mắt Phố sức khỏe theo hướng phát huy thế mạnh của một địa bàn trọng điểm về dịch vụ y tế, tạo điểm nhấn, tăng sức thu hút cho hoạt động du lịch thương mại…
Trong nửa cuối năm nay, thành phố sẽ triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tập trung khai thác và phát huy thế mạnh du lịch của TP Thủ Đức và các quận, huyện gắn liền với các loại hình du lịch là tiềm năng thế mạnh của địa phương. Phát triển du lịch đường thủy, thúc đẩy giải pháp phát triển du lịch tàu biển; thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, Thạnh An, Cần Giờ gắn với khai thác giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ…
Thương mại phục hồi mạnh
Cùng với du lịch, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng trên địa bàn TP HCM ước đạt 336.751 tỉ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ, chiếm 59,94% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. UBND TP HCM đánh giá 6 tháng đầu năm, các DN, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngành công thương đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành để hàng hóa vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ TP HCM 6 tháng đầu năm 2023. Đồ họa: ANH THANH
Sự tăng trưởng rõ rệt của ngành bán lẻ cả nước nói chung và TP HCM nói riêng còn là kết quả của việc phối hợp tốt trong triển khai bình ổn thị trường giữa TP HCM và các tỉnh, thành phố, bảo đảm hàng hóa thiết yếu luôn đến tay của người dân.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết ngành bán lẻ đang có sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong tháng 5 và tháng 6. Người tiêu dùng chú trọng hơn đối với những mặt hàng mang tính chất là ổn định cuộc sống, phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày và chọn lọc hơn khi mua những mặt hàng xa xỉ phẩm, hàng có giá trị cao.
Theo khảo sát của một hệ thống siêu thị, người tiêu dùng đang trong giai đoạn "thắt lưng buộc bụng" nên đặc biệt quan tâm đến các chương trình khuyến mãi. Để thúc đẩy tăng trưởng, liên tục trong các tháng đầu năm, các DN sản xuất - kinh doanh, phân phối đồng loạt tăng ngân sách cho các hoạt động khuyến mãi, giảm giá. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nhóm hàng nhãn riêng, đa dạng phân khúc hàng hóa để phù hợp với lựa chọn của nhiều nhóm khách hàng. "Tốc độ phát triển quý II có sự khởi sắc đồng đều hơn ở các địa bàn với sự dẫn dắt chủ yếu của thị phần TP HCM và các tỉnh phía Nam" - đại Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) thông tin.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ 6 tháng cuối năm, các DN cho rằng bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung cầu trên nền tảng số...
Lạm phát chưa đáng lo
Liên quan tới việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức áp dụng từ ngày 1-7, một số chuyên gia nhận định có thể gây áp lực lên lạm phát nhưng đây cũng là động lực để người dân có xu hướng gia tăng các khoản chi tiêu. Do vậy, đây là dư địa để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm tận dụng và thu hút nguồn thu nhập tăng lên của người dân.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-7