Theo Hãng tin AP, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD, bao gồm bom chùm được bắn bởi pháo Howitzer 155mm, sớm nhất là vào ngày 7-7.
Động thái này có thể sẽ gây ra sự phẫn nộ từ một số đồng minh và các nhóm nhân đạo từ lâu đã phản đối việc sử dụng bom chùm.
Bom chùm nguy hiểm không?
Bom chùm là bom nổ trong không trung, sau đó giải phóng các quả bom nhỏ hơn trên một khu vực rộng lớn. Các quả bom nhỏ được thiết kế để tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, có thể hạ gục xe tăng và các khí tài quân sự khác.
Trong các cuộc xung đột trước đây, bom chùm có tỉ lệ sát thương cao. Hàng ngàn quả bom nhỏ hơn chưa nổ vẫn ở lại sau khi chiến tranh qua đi và giết chết nhiều người trong hàng thập kỷ sau đó.
Lần gần nhất Mỹ sử dụng bom chùm là tại chiến trường Iraq vào năm 2003. Sau đó Mỹ không sử dụng nữa do cuộc xung đột chuyển sang khu vực đông dân cư hơn.
Vì sao Mỹ gửi bom chùm lúc này?
Trong hơn một năm qua, Mỹ đã tăng cường dự trữ đạn cho lựu pháo Howitzer 155mm và đã gửi hơn 2 triệu viên đạn này tới Ukraine. Các đồng minh khác cũng gửi hàng trăm ngàn viên đạn.
Đạn 155mm có thể tấn công các mục tiêu cách xa 24-32km, khiến chúng là lựa chọn lý tưởng cho bộ binh Ukraine dùng để tấn công kẻ thù từ xa. Các lực lượng Ukraine đang dùng hàng ngàn viên đạn loại này mỗi ngày trong xung đột với Nga.
Ông Yehor Cherniev, nghị sĩ Quốc hội Ukraine, phát biểu tại Mỹ hồi đầu năm rằng Kiev có thể cần bắn 7.000-9.000 viên đạn mỗi ngày trong các cuộc giao tranh. Việc viện trợ nhiều đạn như vậy sẽ gây áp lực cho kho dự trữ của Mỹ và các đồng minh.
Ông Ryan Brobst, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (trụ sở Washington, Mỹ), nhận định trong bối cảnh hiện nay, bom chùm là lựa chọn hợp lý vì nó giúp Ukraine tiêu diệt nhiều mục tiêu hơn trong khi bắn ít đạn hơn.
Mỹ đã không dùng bom chùm kể từ cuộc chiến với Iraq, nên họ có lượng lớn bom chùm trong kho dự trữ.
Theo nội dung lá thư hồi tháng 3-2023 của các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ gửi cho chính quyền ông Biden, Washington đang có khoảng 3 triệu quả bom chùm sẵn sàng sử dụng.
"Bom chùm hiệu quả hơn đạn pháo đơn lẻ vì chúng gây sát thương trên phạm vi rộng hơn. Điều này rất quan trọng với Ukraine khi họ đang nỗ lực phản công giành lại các khu vực mà Nga đang kiểm soát", chuyên gia Ryan Brobst nhận định.
Hơn nữa, việc gửi bom chùm cho Ukraine không chỉ giải quyết tình trạng thiếu đạn của Kiev, mà còn giảm bớt áp lực dự trữ của Mỹ và các nơi khác.
Nga cũng dùng bom chùm
Hãng tin AP dẫn thông tin từ lãnh đạo Ukraine, các nhà quan sát, các nhóm nhân đạo và các tổ chức nhân quyền cho biết lực lượng Nga cũng đã sử dụng bom chùm ở Ukraine trong một số trường hợp.
Tổ chức Theo dõi nhân quyền cho rằng trong những ngày đầu của cuộc chiến, đã có nhiều trường hợp Nga sử dụng bom chùm, như ở thành phố Okhtyrka phía đông bắc Ukraine.
Gần đây, vào tháng 3-2023, phía Ukraine cho rằng Nga đã tấn công thành phố Kostiantynivka bằng tên lửa S-300 và bom chùm.
Một tháng sau đó, Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cáo buộc Nga tấn công một thị trấn trong vùng bằng bom chùm, khiến một người bị thương.
Bản thân việc sử dụng bom chùm không vi phạm luật pháp quốc tế, miễn là không dùng với thường dân.
Hơn 120 quốc gia đã ký vào công ước cấm sử dụng bom chùm, đồng ý không sử dụng, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và phải thu dọn sau khi đã sử dụng. Mỹ, Nga và Ukraine chưa ký công ước này.
Mỹ có thể gửi bom chùm cho Ukraine; Ông Zelensky kêu gọi giải pháp cụ thể tại hội nghị NATO; OceanGate tạm dừng hoạt động sau vụ nổ tàu Titan; Mỹ cần Trung Quốc kiềm chế ma túy tổng hợp... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 7-7.