Theo tờ Economist, tàu chiến Admiral Essen của Nga được phát hiện ở cảng Sevastopol của Crimea trên Biển Đen, với lớp sơn mới nổi bật. Mũi và đuôi tàu có màu đen và phần giữa màu trắng, nhìn từ xa, con tàu trông nhỏ hơn so với thực tế.
Theo ông H.I. Sutton - nhà phân tích quốc phòng độc lập và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chiến tranh dưới nước và công nghệ tàu ngầm, ba tàu chiến khác của Nga trong Hạm đội Biển Đen cũng được sơn lại tương tự. Tại sao?
Chuyện không mới!
Ngụy trang tàu thuyền trên biển nổi tiếng là việc khó khăn. Những nỗ lực che giấu hoàn toàn đã không có kết quả, các con tàu chỉ có thể khó phát hiện hơn một chút ở tầm xa.
Nhưng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Anh và Mỹ bắt đầu triển khai kỹ thuật "đánh lừa thị giác" để giúp bảo vệ tàu thuyền của mình.
Ông Norman Wilkinson, một nghệ sĩ người Anh, đã phát triển cái gọi là ngụy trang lóa mắt, kế hoạch được áp dụng rộng rãi nhất.
Ông đề xuất vẽ những con tàu có hình dạng hình học giao nhau bằng những màu tương phản đậm. Khi nhìn qua kính tiềm vọng của thời đó, hoa văn bất thường của Wilkinson đã phá vỡ đường viền của con tàu, khiến kẻ thù khó phán đoán hình dạng và hướng di chuyển của nó.
Vào thời điểm này, tàu ngầm là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu chiến. Các chỉ huy tàu ngầm cần tính toán khoảng thời gian thích hợp khi bắn ngư lôi vào đường di chuyển của tàu chiến; bất kỳ lỗi nào do lóa mắt gây ra đều có thể khiến ngư lôi trượt mục tiêu.
Chiến tranh thế giới thứ hai chứng kiến sự ra đời của các phương án sơn khác, bao gồm "biện pháp 32" của hải quân Mỹ, sử dụng các mảng sáng và tối để khó xác định kích thước thật của một con tàu, đặc biệt là trong điều kiện tầm nhìn kém.
Mục tiêu là làm cho khó phân biệt tàu sân bay, thiết giáp hạm và các mục tiêu có giá trị cao khác với tàu tuần dương và tàu nhỏ hơn. Tàu chiến Admiral Essen của Nga đang sử dụng biện pháp này.
Vẫn 'lừa" được trí tuệ nhân tạo
Các biện pháp ngụy trang tàu chiến của hải quân phần lớn đã không còn sau Thế chiến II. Hiện nay, radar thay thế quan sát trực quan và tàu ngầm sử dụng sonar (thiết bị định vị) để phát hiện mục tiêu của chúng.
Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo gần đây đã chứng kiến sự hồi sinh của các kỹ thuật đánh lừa thị giác cũ.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, Ukraine đã tấn công các tàu của Nga ở Biển Đen bằng các tàu mặt nước không người lái (USV).
Đây là loại tàu robot cao tốc chứa đầy chất nổ, được sử dụng cho các cuộc tấn công thần tốc. Người điều khiển từ xa thường hướng dẫn USV hoạt động bằng cách sử dụng nguồn dữ liệu video từ camera trên mũi tàu. Trong các cuộc tấn công USV ở tốc độ cao, người điều khiển chỉ mất vài giây để xác định mục tiêu.
Việc sơn mới các tàu của Nga như Essen gần như chắc chắn nhằm gây nhầm lẫn cho các người điều khiển USV. Việc sơn ngụy trang tàu chiến có thể làm giảm cơ hội chọn ra một tàu chiến trong số các tàu chở hàng và tàu hỗ trợ gần đó.
Ông Sutton lưu ý rằng lớp ngụy trang cũng có thể khiến tàu Nga khó bị vệ tinh theo dõi hơn. Một số hệ thống theo dõi - đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định tàu thuyền - cũng có thể bị đánh lừa bởi màu sơn khác thường, đặc biệt là khi hình ảnh có chất lượng thấp.
Các nhà phân tích cho rằng với những thay đổi màu sơn tàu chiến, tuy không lừa được con người khi họ trực tiếp nhìn thấy - nhưng lại khiến AI lóa mắt, xác định sai đối tượng.
Biện pháp cũ xem ra vẫn có giá trị giữa thời đại chiến tranh công nghệ mới.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã dùng tên lửa phá hủy tàu chiến cuối cùng của Ukraine đang neo đậu tại cảng Odessa.