Mario Melani đang ngồi trên sàn nhà kho ở Prato, Italy, bao quanh bởi đống áo len và khăn quàng cổ đã qua sử dụng. Ông khéo léo cắt bỏ từng chiếc cúc, khóa kéo, hình thêu và nhãn mác - bước quan trọng để tái chế len - truyền thống có từ giữa thế kỷ 19 của các nhà sản xuất dệt may thành phố Tuscan.
Ở tuổi 94, ông Melani đã dành hơn 6 thập kỷ làm việc với tư cách là một cenciaiolo - thuật ngữ đầy tự hào mà những người dân địa phương dùng để gọi những nghệ nhân làm vải. Hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực quần áo và dệt may mà ở đó, tái chế len đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ở Prato, quá trình tái chế len sẽ tuân thủ quy trình sau đây: Quần áo được xử lý thủ công. Các mảnh vụn được cắt nhỏ bằng máy, sau đó pha màu và kéo thành sợi, trải qua các bài kiểm tra chất lượng trước khi dệt trên khung.
Trước đây, tái chế len được thúc đẩy bởi cơ hội kinh tế và nhu cầu, nhất là khi sản lượng lông cừu không đảm bảo. Ngày nay, những lo ngại về môi trường ô nhiễm càng thúc đầu nhu cầu tái chế len, trong bối cảnh người tiêu dùng tìm kiếm những bộ quần áo được làm từ sợi tự nhiên thay vì tổng hợp.
“Đó là một xu hướng đang phát triển và diễn ra ở khắp nơi”, Dalena White, đại diện Tổ chức Dệt len Quốc tế, nói đồng thời cho biết các nhà sản xuất dệt may mang lại cuộc sống thứ hai cho len đang không theo kịp nhu cầu.
Len chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng sợi dệt toàn cầu nên việc tái chế không đủ để bù đắp được những tác động lên môi trường của toàn ngành thời trang. Ngành công nghiệp này ước tính đang tạo ra khoảng 10% lượng khí thải carbon với 100 tỷ mặt hàng mỗi năm. Hàng chục triệu sản phẩm may mặc bị bỏ đi mỗi ngày để nhường chỗ cho những sản phẩm mới.
Là một phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Liên minh châu Âu năm ngoái đã thông qua chiến lược hàng dệt may bền vững và tuần hoàn; đặt ra các yêu cầu để giúp hàng dệt dễ tái chế hơn và cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về nguyên liệu thô của sản phẩm.
Theo Bloomberg, xét về nguyên liệu thô và tính phát thải khí nhà kính, tiêu thụ hàng dệt may có tác động lớn thứ tư đối với môi trường, chỉ sau thực phẩm, nhà ở và phương tiện giao thông.
“Chúng tôi cần các quy định chặt chẽ hơn trong ngành”, Marco Mantellassi, giám đốc điều hành Manteco SpA, một nhà sản xuất dệt may nói, đồng thời cho biết sự kiểm soát chặt chẽ của Manteco trong quá trình sản xuất cho phép công ty tạo ra những loại vải rất chất lượng rất cao. Theo Manteco, quá trình làm len tái chế của họ chỉ thải ra một lượng khí thải carbon rất thấp so với len nguyên chất và nhiều loại vải dệt khác.
Theo Hasnain Lilani, sáng lập Datini Fibers chuyên bán sợi len tái chế chiết xuất từ quần áo đã qua sử dụng, cho biết để thúc đẩy tái chế hàng dệt may, các nhà thiết kế quần áo và thương hiệu may mặc cần có cách tiếp cận tốt hơn để tăng tính tuần hoàn của chuỗi cung ứng. Công ty được thành lập cách đây 2 năm sau khi Lilani làm việc với tư cách là một nhà kinh doanh dệt may, hiện đang tái chế từ 3.000 tấn đến 5.000 tấn quần áo len mỗi năm. Ông kỳ vọng con số trên sẽ tăng lên 10.000 tấn vào năm 2024.
“Các thương hiệu thời trang cần lắng nghe và đầu tư tái chế để chuỗi cung ứng trở nên bền vững hơn”, Lilani nói.
Theo: Bloomberg