Tổng mức đầu tư của các dự án lên đến gần 18.000 tỉ đồng. Đi liền với cải tạo kênh rạch, TP sẽ chỉnh trang đô thị dọc theo các tuyến kênh rạch này.
Cùng với đó, TP cũng đang trong giai đoạn triển khai dự án cải tạo môi trường nước giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư gần 11.300 tỉ đồng, đi qua các quận 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, với tổng diện tích lưu vực là 2.150 ha.
Khi dự án bắt đầu rục rịch triển khai, người dân ở hai bên bờ kênh rạch cũng bày tỏ sự hân hoan, phấn khởi vì chờ đợi cuộc sống mới nhiều đổi thay tốt đẹp, khang trang hơn.
Đó cũng là tâm trạng của người dân sống dọc theo các kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé nhiều năm trước, khi những dòng kênh này lúc ấy đang là nỗi ám ảnh đối với hàng ngàn hộ dân sống xung quanh. Rồi cuộc sống của họ đã sang trang khi diện mạo dòng kênh đã được cải tạo.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, những con kênh mà TP đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để cải tạo lại trở nên nhếch nhác, bốc mùi và ngập rác. Điều đáng nói, rác vứt xuống kênh lại do chính người dân thẳng tay thả xuống với đủ loại, thậm chí cả bàn, ghế, giường, tủ. Thật đáng kinh ngạc khi mỗi ngày có tới hàng chục tấn rác được vớt lên từ các dòng kênh!
Ý thức của một bộ phận người dân đáng để lên án thì không còn phải bàn. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước cũng cần phải xem lại cách thức quản lý, giám sát cũng như các hình thức chế tài, xử phạt trong thời gian qua liệu đã đủ sức răn đe?
Nhìn lượng rác khổng lồ được vớt lên mỗi ngày từ các con kênh, chúng ta không khỏi giật mình đặt ra câu hỏi: Chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý có liên quan ở đâu? Các đơn vị này đã làm hết trách nhiệm và đã thật sự quyết liệt bảo vệ các dòng sông, kênh rạch để không bị tái ô nhiễm hay chưa? Ngoài lực lượng chức năng kiểm tra còn có cả camera giám sát, rồi hệ thống cơ quan, đoàn thể, khu phố, tổ dân phố. Sao vẫn để tình trạng xả rác xảy ra vô tư giữa ban ngày?
Hàng ngàn tỉ đồng bỏ ra đã đổi lại những diện mạo mới cho đô thị TP và tới đây, hàng chục ngàn tỉ đồng khác cũng đang được TP chi ra để cải tạo kênh rạch. Nếu không giữ gìn được thành quả này thì không chỉ là sự lãng phí tiền bạc mà còn thể hiện sự hạn chế trong quản lý.
Thay đổi diện mạo đô thị không chỉ là thay đổi cảnh quan mà còn cần phải mạnh tay hơn nữa để thay đổi cả thói quen thì mới tạo ra một đô thị văn minh, hiện đại thật sự.