6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM thu hút tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI vào TP.HCM "bật tăng" trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế của TP có sự khởi sắc trong quý 2 sau khi giảm sâu ở quý 1-2023.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là TP.HCM cần làm gì để tiếp tục giữ vững sức hút đối với dòng vốn FDI, khi từ năm 2024, chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, khiến cho các lợi thế về ưu đãi thuế không còn.
Ngày 7-7, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị bàn cách tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài tại TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết thành phố sẽ thiết lập kênh thông tin chia sẻ, minh bạch về các dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư thuận lợi hơn.
Theo ông Cường, hiện đang tập trung triển khai nhiều chính sách cụ thể hoá nghị quyết 24 và nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM từ nay đến 2030. Đặc biệt Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM có hiệu lực từ 1-8-2023.
Trong đó, có thiết kế nhiều chính sách vượt trội về các nhóm quản lý đầu tư, quản lý chính sách, quản lý đất đai tài nguyên môi trường, vốn nhà đầu tư chiến lược, cũng như về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với cơ chế mới, TP đặt kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển thời gian tới, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào thành phố hơn thì cần phải tiếp tục thay đổi khung pháp lý, môi trường. Các kênh thông tin có sự cải thiện để mối quan hệ giữa các nhà đầu tư với nhau và nhà đầu tư với chính quyền được minh bạch, rõ ràng.
"Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tiếp tục quan tâm, ưu tiên và lắng nghe, tiếp thu với những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Trong đó, nhiều vấn đề còn khó khăn sẽ tiếp tục cùng tháo gỡ", ông Cường khẳng định.
Theo ông Đào Minh Chánh - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, những năm gần đây, TP.HCM luôn là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam. Tuy vậy, dòng vốn đầu tư FDI này vẫn chỉ tập trung ở một số quận, thành phố Thủ Đức và trong một số ngành nhất định. Các doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được nhiều lan toả về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết ưu thế lớn nhất trong thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là chi phí thấp, trong đó có ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, yếu tố này đang thay đổi dần, do đó, để tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư FDI, đặc biệt là FDI chất lượng cao, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần đổi mới trong khung pháp lý về đầu tư. Trong đó, cần đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản sửa đổi, nhất là sự đồng bộ giữa các Luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mong muốn TP.HCM cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư được triển khai nhanh chóng, ít tốn kém chi phí...
Dù hoạt động xuất nhập khẩu tại 'thủ phủ công nghiệp' Đông Nam Bộ vẫn còn khá nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực khi nhiều nhà máy mở rộng đầu tư với cam kết gắn bó lâu dài.