Hiện nay, cơ quan công an không thu hồi chứng minh nhân dân/ căn cước công dân gắn mã vạch (CMND/CCCD gắn mã vạch) mà người dân đang sử dụng để dùng trong thời gian chờ đợi cấp CCCD gắn chíp. Khi người dân đã nhận được CCCD gắn chíp, đồng nghĩa CMND/CCCD gắn mã vạch không còn giá trị sử dụng sẽ bị thu hồi.
Tuy nhiên, có trường hợp một người dân cùng lúc có CCCD gắn chíp và CMND còn hạn sử dụng, không bị cắt góc. Người dân thắc mắc có được sử dụng song song CCCD gắn chíp và CMND được không?
Khi đã được cấp CCCD gắn chíp, không nên dùng CMND cũ để thực hiện các giao dịch. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Trao đổi với PLO, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết từ ngày 1-7-2021 thì cơ quan chức năng sẽ thu lại CMND, thẻ CCCD đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD (theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA).
Tại khoản 8, Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA cũng quy định thu hồi CMND/CCCD cũ đối với trường hợp công dân làm thủ tục đổi từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD.
Theo những quy định này, sau khi cấp CCCD, sẽ phải thu hồi CMND. Khi đó, CMND sẽ không còn giá trị sử dụng dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng. Đồng nghĩa với việc sẽ không thể sử dụng song song cả CMND và CCCD gắn chíp mới.
Tuy nhiên, trước đó, Bộ Công an đã triển khai cấp CCCD gắn chíp cho công dân. Do đó, thời điểm trước, vẫn có nhiều người khi đổi sang CCCD gắn chíp thì chỉ bị cắt góc CMND cũ mà không bị thu hồi lại hoặc thậm chí có trường hợp còn bị “bỏ sót” không cắt góc.
Ngoài ra, một số trường hợp, sau khi làm thẻ CCCD mới, không ít người dân vẫn còn giữ CMND cũ do khai báo mất, không giao nộp hoặc cán bộ làm thủ tục quên thu lại.
Điều này khiến một số người đã làm CCCD mới lại có cùng lúc hai loại giấy tờ chứng minh nhân thân là CCCD gắn chíp mới làm và CMND cũ.
Luật sư cho biết thêm, việc thu lại CMND cũ khi làm CCCD mới là quy định bắt buộc. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Cụ thể là hành vi sử dụng CMND cũ song song với CCCD được cấp mới.
Ngoài ra, dựa vào các căn cứ trên, nếu sử dụng CMND cũ để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau. Bởi lẽ, CMND lúc này đã không còn giá trị sử dụng.
Khi ký kết các loại hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, giao dịch mua bán... người dân sử dụng CMND cũ (không còn giá trị sử dụng, thay vì dùng CCCD gắn chip đã được cấp) thì sau này nếu xảy ra tranh chấp, bên tranh chấp có thể sẽ lấy lý do "CNMD hết hạn, không có giá trị chứng minh nhân thân trong giao dịch" để đề nghị cơ quan thẩm quyền tuyên giao dịch vô hiệu, thậm chí còn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Một trường hợp khác là khi giấy tờ này rơi vào tay người ngoài, hoặc chỉ cần họ có được thông tin CMND, CCCD cũ của bạn thì có thể dễ dàng làm giả để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vay tiền...
Cũng theo luật sư, việc sử dụng CMND, CCCD cũ để khai báo, đăng ký làm các thủ tục hành chính công dễ dẫn đến thông tin không trùng khớp (giữa CMND cũ và CCCD gắn chíp mới) nên có thể gây khó khăn cho người dân trong việc cập nhật thông tin về sau.
Vì vậy, người dân chỉ nên dùng duy nhất CCCD gắn chíp (được cấp mới nhất) trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp sau này.