Mỹ đã tiêu hủy hết những vũ khí hóa học cuối cùng - Nguồn: AP
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) nói điều này đồng nghĩa với việc mọi kho vũ khí hóa học được biết đến trên thế giới đã không còn.
"Hôm nay tôi tự hào thông báo rằng Mỹ đã hủy an toàn vũ khí (hóa học) cuối cùng trong kho, đưa chúng ta tiến một bước gần hơn đến một thế giới không còn nỗi kinh hoàng của vũ khí hóa học", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden nói.
Mỹ là bên ký kết cuối cùng của Công ước về Vũ khí hóa học, có hiệu lực từ năm 1997, hoàn thành nhiệm vụ tiêu hủy các kho vũ khí "đã khai báo", mặc dù một số quốc gia được cho là vẫn duy trì kho vũ khí hóa học bí mật. Theo công ước, Mỹ có thời hạn đến tháng 9-2023 phải hủy toàn bộ vũ khí hóa học.
OPCW gọi cột mốc này là "thắng lợi lịch sử" của việc giải trừ vũ khí hóa học.
Nó đánh dấu hơn một thế kỷ kể từ khi việc sử dụng khí hóa học không được kiểm soát trong Thế chiến I đã gây ra thương vong và hậu quả khủng khiếp.
Tuyên bố của Mỹ có nghĩa tất cả các kho dự trữ vũ khí hóa học được tuyên bố trên thế giới đã được "xác minh là bị tiêu hủy không thể đảo ngược", OPCW cho biết.
"Tôi xin chúc mừng tất cả các quốc gia thành viên và trong trường hợp này là Mỹ về thành tựu to lớn này đối với cộng đồng quốc tế", Tổng giám đốc OPCW Fernando Arias nói.
Thông báo của ông Biden được đưa ra sau khi Blue Grass Army Depot, một cơ sở của quân đội Mỹ ở Kentucky, hoàn thành nỗ lực kéo dài 4 năm qua để loại bỏ khoảng 500 tấn chất hóa học gây chết người.
Theo AFP, trong nhiều thập kỷ qua Mỹ đã lưu trữ các loại đạn pháo và tên lửa có chứa khí mù tạt, chất độc thần kinh VX và sarin, và các chất gây phồng rộp. Các loại vũ khí này đã bị lên án kịch liệt sau khi gây ra hậu quả kinh khủng trong Thế chiến I.
Trong Thế chiến II, vũ khí hóa học không được sử dụng nhiều nhưng nhiều quốc gia đã giữ lại và tiếp tục phát triển chúng trong những năm sau đó.
Theo TTXVN, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành rải chất khai quang ồ ạt tại Việt Nam. Trong vòng 10 năm, ước tính khoảng 80 triệu lít chất khai quang với lượng dioxin lên tới gần 400 kg đã được rải trên 3 triệu ha, gần bằng 1/4 diện tích của miền Nam Việt Nam.
Hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba. Qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả chất độc da cam/dioxin đã di nhiễm sang thế hệ thứ tư.
Những đợt sử dụng vũ khí hóa học đáng chú ý nhất kể từ những năm 1970 còn có các cuộc tấn công bằng khí độc thần kinh của Iraq vào Iran trong cuộc chiến vào những năm 1980. Năm 2018, loại vũ khí này cũng được xác định được sử dụng ở Syria.
Vũ khí hóa học, bao gồm những quả bom chùm, mìn đất chứa chất nổ trộn với chất độc, cũng như những thùng chứa chất độc thần kinh VX và Sarin đang được Mỹ tiêu hủy.