Sáng 8-7, có mặt tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, ghi nhận cả một cánh đồng Nương Thiện rộng mênh mông đang trong tình trạng bị bỏ hoang. Một số người dân tận dụng ruộng không canh tác để chăn nuôi vịt, thả trâu bò.
Một người phụ nữ tên Xuân (ngụ tại xã Đồng Môn) cho biết tình trạng ruộng bỏ hoang trong vụ hè thu kéo dài nhiều năm nay. Nguyên nhân vì thời điểm hè thời tiết khắc nghiệt, không có nguồn nước tưới tiêu nên nông dân không thể sản xuất, canh tác được.
Gia đình bà có 4 sào ruộng, tuy nhiên mỗi năm chỉ gieo cấy vào vụ xuân. Đến vụ hè thu đành bỏ trống ruộng vì không có nước tưới.
"Vào vụ xuân mưa nhiều, cộng với nước từ hồ Kẻ Gỗ đổ về nên nguồn nước đủ cho người dân gieo cấy. Còn vào mùa hè mưa ít, nguồn nước thủy lợi không đủ cấp về nên chúng tôi đành bỏ trống ruộng đợi đến vụ xuân canh tác" - bà Xuân nói.
Ông Dương Cao Sơn - phó chủ tịch UBND xã Đồng Môn - cho biết toàn xã có tổng 295ha đất để gieo cấy, từ trước đến nay việc tưới tiêu cho đồng ruộng phụ thuộc lớn vào nguồn nước từ hồ Kẻ Gỗ và một số hồ nhỏ tích nước tại địa phương.
Hằng năm, vào vụ xuân mưa nhiều, nguồn nước thủy lợi đáp ứng nên toàn bộ diện tích đất của xã đều được gieo cấy, tuy nhiên đến vụ hè thu do thời tiết khắc nghiệt, nước thủy lợi không có nên diện tích gieo cấy giảm còn một nửa. Như vụ hè thu năm ngoái gieo được 170ha, còn vụ hè thu năm nay toàn xã chỉ gieo cấy được 130ha.
"Xã Đồng Môn nằm ở cuối nguồn nước của hồ Kẻ Gỗ, do đó nghề nông phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ở hồ này. Không chỉ xã chúng tôi mà ở các xã lân cận cũng có số diện tích lớn vào vụ hè thu không canh tác vì thiếu nước" - ông Sơn nói.
Những năm qua, để tránh quỹ đất nông nghiệp bỏ hoang, chính quyền xã Đồng Môn kêu gọi người dân xây dựng một số mô hình chuyển đổi cây trồng, bước đầu mang lại hiệu quả như mô hình trồng 11ha sen; sử dụng hơn 4ha trồng cây cảnh, dưa lưới thương phẩm… Đến nay quỹ đất xây dựng các mô hình trồng trọt tại địa phương lên đến 30ha.
Tại huyện Cẩm Xuyên, thời điểm này người dân cũng khá xót xa khi chứng kiến hàng trăm ha đất nông nghiệp bỏ hoang vì không có nước để gieo trồng.
Ông Nguyễn Đình Hoạt - chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng - chia sẻ diện tích đất trồng lúa tại địa phương bao năm qua chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa, do đó vào vụ xuân diện tích đất nông nghiệp trong xã đều được gieo cấy, còn vào vụ hè thu đất bỏ hoang khá nhiều.
"Để làm kênh dẫn nước thủy lợi về tưới tiêu thì kinh phí đầu tư khá lớn. Trong khi đó không có nước thì không thể trồng lúa được, ngay cả nếu chuyển sang trồng cây hoa màu cũng sẽ bị chết khô vì không có nước tưới" - ông Hoạt cho hay.
Theo tìm hiểu, vụ hè thu toàn huyện Cẩm Xuyên hiện có khoảng 400ha lúa không thể canh tác vì thiếu nước tưới tiêu.
TT - Mực nước hồ Liệt Sơn xuống thấp, nước không vươn tới được nên huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đành phải bỏ hoang 500ha ruộng lúa ở xã Phổ Cường.