Bước vào năm thứ hai ngành marketing tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM, sinh viên Nguyễn Thị Huệ bắt đầu cảm nhận nhiều áp lực bủa quanh.
Các xu hướng marketing thay đổi quá nhanh trên nền tảng số mới đòi hỏi người theo nghề liên tục sáng tạo. Nhìn thấy nhiều bạn bè quá giỏi, có người được nhận vào những công ty truyền thông lớn ngay từ cuối năm nhất, Huệ càng thêm lo.
Câu lạc bộ mentor cho sinh viên
Huệ là một trong những sinh viên đầu tiên đăng ký tham gia Câu lạc bộ (CLB) Mentoring của Trường ĐH Công Thương TP.HCM, vừa được thành lập cuối tháng 4-2023.
CLB là nơi kết nối chuyên gia, lãnh đạo của các doanh nghiệp hoặc các nhà khoa học với các sinh viên có nhu cầu cần được cố vấn. Mỗi sinh viên sẽ được ghép cặp 1-1 với mentor (người cố vấn - PV) theo mục đích cụ thể của từng bạn.
ThS Hoàng Thị Thoa - giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Trường ĐH Công Thương TP.HCM - cho biết CLB như một cầu nối trung gian kết nối mentor và sinh viên. Ban đầu, hai bên sẽ đặt ra những mục tiêu và lên lộ trình đồng hành cùng nhau. Ngoài cố vấn 1-1, các mentor sẽ tham gia thêm các tọa đàm, workshop do CLB tổ chức về các chủ đề chuyên môn, kỹ năng mềm...
"Khi đề xuất ý tưởng và trình bày với các lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều người sẵn sàng ngay. Họ đều mong muốn có thể giúp ích được cho sinh viên. Đặc biệt là những anh chị xuất thân từ trường, khi đã có được những thành công trong sự nghiệp đều tâm huyết hỗ trợ thế hệ đàn em" - cô Thoa nói.
Làm sao để ghép đôi "mentor - sinh viên"?
Những năm gần đây, ngày càng nhiều các trường đại học quan tâm đến việc kết nối mentor cho sinh viên. Hơn 10 năm qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM duy trì CLB UEH Mentoring, kết nối những cựu sinh viên đã thành đạt với những sinh viên đàn em để chia sẻ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Trường Broward Việt Nam có CLB Mentoring, tổ chức những hoạt động, khóa học miễn phí - nơi các sinh viên đang gặp khó khăn trong học tập có thể tham gia cùng những anh chị có chuyên môn.
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, hoạt động kết nối mentor và sinh viên diễn ra liên tục thông qua nhiều chương trình hợp tác, cuộc thi khởi nghiệp, dự án ươm tạo...
ThS Lê Quang Nhật - giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết sở dĩ việc kết nối phải gắn với một hoạt động cụ thể là để mentor và sinh viên có nhiều thời gian tương tác, từ đó dễ tìm ra những cặp mentor - sinh viên phù hợp. Vì mentor sẽ cố vấn trực tiếp 1-1 cho sinh viên, nên nếu ghép đôi ngẫu nhiên mà cả hai không có sự "đồng điệu" sẽ không hiệu quả.
Ông Wilson Liêu - CEO của Công ty NextJobs - đã tham gia nhiều CLB mentor, hỗ trợ các sinh viên đại học. Gần đây nhất, ông cố vấn cho hai bạn trong sáu tháng.
Trường hợp thứ nhất, bạn sinh viên đang mất định hướng trong ngành marketing, không biết nên đi theo hướng nào. Ông dành nhiều buổi tư vấn các con đường khả dĩ, hướng dẫn cho bạn đến thêm những sự kiện, kết nối với những bạn trẻ khác để có thêm góc nhìn nghề nghiệp. Hiện tại, bạn sinh viên đã trở thành chuyên viên cho một tập đoàn truyền thông nước ngoài.
Trường hợp thứ hai khó hơn. Khi tiếp xúc, ông Wilson nhận ra bạn có dấu hiệu trầm cảm, thường lo sợ khi phải tiếp xúc xã hội. Vậy là ông hướng dẫn bắt đầu khám phá năng lượng tích cực tiềm ẩn bên trong, trước hết bằng cách... chạy bộ.
Kết hợp với tham gia một số hoạt động cộng đồng, bạn được giải tỏa tâm lý. Hiện tại, bạn không những thoát khỏi "vỏ ốc" của mình mà còn lập ra một CLB chia sẻ các lối sống tích cực với những bạn trẻ khác.
Góp ý thẳng thắn
Lương Thị Xuân Mai - vừa tốt nghiệp Trường ĐH Công Thương TP.HCM - là một trong những thành viên sáng lập dự án "Symcocha - Dòng sản phẩm trà lên men kombucha từ vỏ hạt cacao, mật hoa dừa và trái cây Việt Nam".
Bắt đầu chỉ là ý tưởng trong khóa luận tốt nghiệp vào năm 2020, sản phẩm đã lọt vào top 20 dự án xuất sắc của Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia. Đầu năm 2023, dự án đoạt giải ba cuộc thi SV-Startup do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đặc biệt vào tháng 4-2023, sản phẩm được Trường ĐH Công Thương TP.HCM chuyển giao cho một công ty thực phẩm.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Xuân Mai cho biết nhóm có trên dưới 10 mentor đồng hành cùng nhóm. Bất cứ khâu nào gặp rắc rối, nhóm đều tìm đến những mentor có kinh nghiệm để nghe thêm ý kiến của họ.
Các mentor là các giảng viên ở trường đại học thường rất hiểu sinh viên, chỉ cần nghe giải thích sơ, họ biết ngay sinh viên đang gặp rắc rối ở đâu. Còn các mentor từ doanh nghiệp thường đưa ra những góp ý rất thẳng, dựa trên góc nhìn thị trường.
Thông qua các hoạt động thường ngày, mọi lúc, mọi nơi bằng việc tập trung tăng vốn từ vựng của người học, phần mềm WordsMine sẽ giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc học ngoại ngữ.