"Lập trường của chúng tôi đơn giản: Chúng tôi cần giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và cứu mạng sống của người dân chúng tôi" - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết trên Twitter ngày 8-7, theo Hãng tin Reuters.
Ông Reznikov nêu rõ: "Ukraine sẽ chỉ sử dụng những loại vũ khí này (bom chùm) cho mục đích giải phóng các vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận của chúng tôi. Những loại vũ khí này sẽ không được sử dụng trên phần lãnh thổ Nga được công nhận chính thức".
Hôm 7-7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Mỹ đã quyết định chuyển bom chùm cho Ukraine (trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD). Ông cũng thông tin phía Kiev đã cam kết bằng văn bản với Washington rằng bom chùm của Mỹ sẽ được sử dụng ở mức rủi ro tối thiểu đối với dân thường.
Quyết định gửi bom chùm đánh dấu bước ngoặt mới với chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc viện trợ cho Ukraine, khi Washington đồng ý gửi một loại vũ khí mà hầu hết các quốc gia nhất trí không nên sử dụng trong chiến tranh hiện đại.
Tuyên bố của ông Reznikov được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây, tần suất các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vượt xa tiền tuyến và nhắm vào cơ sở hạ tầng cũng như các mục tiêu quân sự của Nga đã tăng lên. Ngay cả thủ đô Matxcơva cũng chứng kiến sự có mặt của drone quy mô lớn, nhưng Ukraine không công khai nhận trách nhiệm.
Hiện nay hơn 100 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Đức đã cấm sử dụng bom chùm. Tuy nhiên Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số các nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cáo buộc Nga cũng đang sử dụng bom chùm kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2-2022. Ông nói Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine với hơn 1 triệu dân, đã bị Nga tấn công bằng bom chùm liên tục vào đầu cuộc chiến.
"Bom chùm" là loại bom đạn bung ra ở trên không và giải phóng hàng trăm thiết bị nổ nhỏ hơn (gọi là bom con), văng ra trên diện tích rộng.
Các tổ chức quyền con người đã lên án việc sử dụng bom đạn chùm bởi vì sau khi được giải phóng, một số bom con không phát nổ ngay, và trong nhiều thập niên sau đó vẫn có khả năng khiến dân thường thiệt mạng khi chạm phải.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đăng lên Telegram đoạn video cho thấy cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng nói việc dùng bom chùm là tội ác chiến tranh.