Dưới đây là chia sẻ của ông Trần Hùng Chiến, 60 tuổi, sống ở Hà Nội, về việc sử dụng xe đạp điện:
Từ lâu, vợ tôi đã muốn mua xe đạp điện. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi nói rằng nếu muốn mua thì cố thêm chút nữa mua hẳn xe máy. Nếu không tự tin cầm lái thì đi xe cũ tôi đang dùng khi đó. Vợ tôi nghe xong quyết định không mua gì nữa mà vẫn gắn bó với xe đạp.
Có thể nhiều người sẽ không đồng tình với tôi, khi xe đạp điện đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở những đô thị như Hà Nội.
Thực tế, tôi không hoàn toàn chê xe đạp điện. Bởi tôi vẫn thừa nhận xe đạp điện có một số ưu điểm. Gọn nhẹ hơn, rẻ hơn, êm hơn xe máy, xe đạp điện dễ dàng để ở những nơi chật hẹp hay trong những ngôi nhà diện tích nhỏ.
Xe phù hợp cho học sinh chưa đủ tuổi lấy bằng lái đi học đỡ vất vả hơn. Xe cũng tương đối dễ sử dụng với những người lớn tuổi.
Nhưng nhìn dưới một góc độ khác, xe điện có nhiều điểm không bằng xe máy, thậm chí một vài ưu điểm cũng không có cách biệt quá lớn.
Chẳng hạn, xe đạp điện gọn nhẹ thì xe máy cũng không lớn hơn là bao, đặc biệt là xe số.
Nếu xe đạp điện chỉ như chiếc mà Toyota giới thiệu cách đây không lâu (6km/h, sẽ cao hơn khi kích hoạt đủ công nghệ an toàn) thì tôi thừa nhận là một chiếc xe phù hợp với người cao tuổi.
Còn xe đạp điện được sử dụng thực tế ở Việt Nam, nhìn người ta đi đường tôi thấy họ thường xuyên giữ ở tốc độ chẳng khác gì xe máy.
Thậm chí, xe êm mà ít người dùng còi, thường xuyên có cảnh suýt va chạm. Ngõ nhà tôi có một số nhà cũng dùng xe đạp điện nên cảnh này không ít gặp.
Một vấn đề khác khiến tôi quan ngại là sạc. Nhiều người vẫn coi xe đạp điện chỉ như một chiếc điện thoại phóng to. Họ vô tư cắm sạc mà không quan tâm đến những vấn đề như khả năng chập cháy.
Ô tô điện cần có thương hiệu rõ ràng, được bảo vệ bằng bảo hiểm. Không ít xe đạp điện là hàng trôi nổi, mua cũ không được đảm bảo. Khi xảy ra vấn đề, không biết phải bám víu vào đâu.
Độc giả Trần Hùng Chiến
Chiếc xe đạp điện thông minh đầu tiên tương tác bằng giọng nói được hỗ trợ bởi ChatGPT đã được ra mắt.