Trước đó, ngày 7-7, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố chính thức về việc gửi bom chùm cho Ukraine. Đây là một phần trong gói hỗ trợ mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ cho Ukraine.
Ông Hun Sen kêu gọi Mỹ, Ukraine không dùng bom chùm
Bom chùm là loại vũ khí có tính sát thương diện rộng, giúp tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Nhưng các đầu đạn này cũng mang một tỉ lệ thất bại nhất định. Đạn "chết" sẽ rơi lại các vùng đất bị tấn công và gây nguy hiểm cho người dân.
Trong một thông điệp được tờ Khmer Times mô tả "tha thiết" trên Telegram ngày 9-7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi Mỹ đừng gửi bom chùm sang Ukraine.
"Tôi hiểu rõ Campuchia là nước nhỏ và yếu, nhưng vì lòng trắc ẩn với nhân dân Ukraine, tôi kêu gọi tổng thống Mỹ - bên cung cấp, và tổng thống Ukraine - bên nhận, hãy kiềm chế việc sử dụng bom chùm cho cuộc chiến này, vì nạn nhân thực sự là người dân Ukraine", tờ Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen.
Theo thủ tướng Campuchia, nếu việc gửi bom chùm xảy ra, đó là thảm họa hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm năm cho người dân Ukraine.
"Campuchia đã có kinh nghiệm đau thương từ bom đạn của Mỹ trong những năm đầu 1970. Tới nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, chúng tôi vẫn chưa có cách phá hủy hết số bom ấy", ông Hun Sen nói.
Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn số liệu từ Đại học Yale (Mỹ) cho biết từ năm 1965 - 1973, Mỹ đã rải trên 230.500 quả bom xuống 113.716 địa điểm ở Campuchia.
Mỹ và Ukraine trấn an về bom chùm
Quyết định của Mỹ về việc gửi bom chùm sang Ukraine chịu sự phản đối từ nhiều bên, từ Nga, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân đạo, cho tới các đồng minh.
Washington cũng đã tìm cách trấn an dư luận về bom chùm. Tổng thống Joe Biden khẳng định đây là một "quyết định rất khó khăn" nhưng Mỹ phải hành động vì Ukraine đang cần.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết đã nhận cam kết từ Ukraine về việc không dùng bom chùm ở nơi đông dân. Ngoài ra, họ cũng sẽ gửi cho Kiev loại bom chùm không có tỉ lệ "đạn chết" cao.
Như lời tướng Mỹ Pat Ryder, Lầu Năm Góc đang có nhiều loại đạn, và loại đang cân nhắc chuyển cho Ukraine sẽ không bao gồm các sản phẩm cũ, vốn có tỉ lệ đạn "chết" cao hơn 2,35%.
Trước đó, theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn ngừng sử dụng mọi loại bom chùm có tỉ lệ đạn "chết" cao hơn 1%, nhưng chính sách này đã không được thực hiện.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cam kết đạn dược do Mỹ gửi sẽ không được dùng ở Nga. Cụ thể, Ukraine sẽ chỉ sử dụng các loại đạn này đối với các phần lãnh thổ Ukraine đang bị chiếm đóng. "Số đạn trên sẽ không được sử dụng tại các vùng lãnh thổ được công nhận chính thức của Nga".
Hiện tại, Ukraine không công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga. Kiev cũng không công nhận bốn vùng Ukraine sáp nhập vào Nga gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
"Lập trường của chúng tôi đơn giản thôi: chúng tôi cần giải phóng các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm và cứu lấy sinh mạng của nhân dân chúng tôi", ông Reznikov viết trên Twitter.
Bất chấp sự phản đối từ nhiều phía, Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine, một giải pháp khẩn cấp và có thể tác động lớn không chỉ tới chiến sự Nga - Ukraine.