Hôm 7-7, Washington thông báo sẽ cung cấp cho Kiev bom chùm như một phần của gói an ninh mới trị giá 800 triệu USD. Gói này sẽ nâng tổng số viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine lên hơn 40 tỉ USD, kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Có thể là tiền lệ xấu
Các nhóm nhân quyền và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đặt câu hỏi về quyết định của Washington về quyết định trên.
Trả lời Đài Fox News, thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine cho biết ông "thực sự e ngại" về quyết định gửi bom chùm tới Ukraine. Ông cho rằng điều này có thể tạo tiền đề cho các quốc gia khác vượt qua công ước quốc tế cấm loại bom này.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng bản thân "đánh giá cao chính quyền của Tổng thống Biden đã đối mặt với rủi ro".
"Họ sẽ không sử dụng những quả bom này để chống lại thường dân Nga" - ông Kaine, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói về khả năng Ukraine sử dụng những quả bom đó.
Ông Kaine cũng khẳng định Ukraine đã đảm bảo cho những lo ngại về việc sử dụng bom chùm.
Bom chùm bị cấm bởi hơn 100 quốc gia. Nga, Ukraine và Mỹ đã không ký vào Công ước về bom, đạn chùm. Công ước đó cấm sản xuất, tàng trữ, sử dụng và chuyển giao loại vũ khí này.
Bom chùm thường phóng ra số lượng lớn bom nhỏ hơn, có sức sát thương cao trên một khu vực rộng lớn. Những quả bom không phát nổ sẽ để lại nguy hiểm trong nhiều thập kỷ sau khi xung đột kết thúc.
Tranh cãi về việc gửi bom chùm cho Ukraine
Trong khi đó, dân biểu Dân chủ Barbara Lee kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét lại quyết định của mình.
"Bom chùm không bao giờ nên được sử dụng. Điều đó là vượt quá giới hạn", bà Lee nói với Đài CNN.
Ngoài ra, nữ nghị sĩ cho rằng Mỹ có nguy cơ mất đi "sự lãnh đạo về mặt đạo đức" khi gửi bom chùm tới Ukraine.
Trước đó, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã lên tiếng bảo vệ quyết định này. Ông Kirby cho hay Mỹ rất tập trung vào các nỗ lực rà phá bom mìn ở Ukraine.
"Chúng tôi rất quan tâm đến những lo ngại về thương vong dân sự và bom mìn chưa nổ được dân thường hoặc trẻ em nhặt được", ông Kirby trả lời Đài ABC.
Tuy nhiên, ông Kirby đánh giá "những loại vũ khí này hữu ích trên chiến trường". Ông nói thêm rằng Nga đang sử dụng bom chùm ở Ukraine và "giết hại thường dân một cách bừa bãi", trong khi Ukraine sẽ sử dụng chúng để bảo vệ lãnh thổ của chính họ.
Hiện nay, chính quyền của ông Biden và nhiều nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng đã bảo vệ quyết định gửi bom chùm tới Ukraine. Phía Mỹ cho rằng đây là điều cần thiết để đẩy nhanh cuộc phản công của Kiev.
Dẫn lại những gì đã xảy ra ở Campuchia, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi Mỹ đừng gửi bom chùm cho Ukraine, đồng thời cũng mong muốn Ukraine đừng sử dụng bom chùm.