Dù mặt bằng lãi suất liên tục đi xuống thời gian qua nhưng bức tranh hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn rất khó khăn, trong đó có các DN ở TP HCM.
Vẫn khó tiếp cận vốn
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 3,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm ngoái và tăng 7,1% so với cùng kỳ. Mức tăng này thấp hơn mặt bằng chung cả nước (tăng trưởng tín dụng cả nước trong nửa đầu năm đạt khoảng 4,2%).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình hình hoạt động của DN ở TP HCM trong nửa đầu năm 2023, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết một trong những khó khăn của DN vẫn là thiếu vốn. Các gói hỗ trợ từ Chính phủ không được hấp thụ như kỳ vọng. Đơn cử, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN từng rất được kỳ vọng nhưng đến giờ lại gây thất vọng về hấp thụ vốn. Lý do chủ yếu vì lãi suất cao, điều kiện vay khó và nỗi lo bị thanh tra, kiểm tra…
Tiếp cận vốn tín dụng vẫn là một bài toán khó với nhiều doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Lê Hữu Nghĩa nhận xét: "Lãi suất vay hiện nay hầu hết trên 10%/năm, rất cao trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Đây cũng là lý do khi chỉ có 12% số DN khảo sát được tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất. DN kiến nghị NHNN tìm phương cách giảm lãi suất vay về dưới 8%/năm, bằng cách giảm lãi suất tiền gửi, giảm chi phí vay và khống chế tỉ suất lợi nhuận ròng của NH thương mại về 3%".
Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN cho biết không thể tiếp cận nguồn vốn vay do không bảo đảm yêu cầu về tài sản thế chấp. Cụ thể, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng. Khảo sát của HUBA cho thấy có tới 41% DN không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Do đó, DN kiến nghị NH nên xem xét tăng tỉ lệ cho vay dựa trên tài sản đã thế chấp, đẩy mạnh cho vay tín chấp hoặc mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…
Trước tình hình khó khăn về vốn, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo HUBA, tình hình vay vốn của DN vẫn còn nhiều khó khăn.
Cần sự đột phá về chính sách tín dụng
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch hiệp hội, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tốt hơn. Cụ thể, cần tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho DN; cơ cấu lại các khoản nợ cho DN… để góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp cộng đồng DN vừa và nhỏ phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành NH tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất - kinh doanh. Chính phủ sẽ rà soát lại các quỹ, tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng quản trị của DN và cơ chế ưu tiên cho DN vừa và nhỏ phát triển các lĩnh vực mới…
Phân tích về việc cần tìm cách tháo gỡ nút thắt tài sản thế chấp của DN ở NH thương mại, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho rằng nếu vẫn duy trì quy định DN lỗ thì NH không được cho vay hoặc nếu cho vay phải trích lập dự phòng rủi ro; cộng với các văn bản của NHNN đều khẳng định "không được hạ chuẩn cho vay", thì toàn bộ văn bản liên quan chính sách hỗ trợ, các gói hỗ trợ của nhà nước với cộng đồng DN coi như bị "vô hiệu" ngay khi vừa ban hành.
"Điều này một phần lý giải vì sao chính sách hỗ trợ không thiếu nhưng NH vẫn dư vốn, còn DN lại thiếu vốn. Do đó, cần có sự đột phá về chính sách tín dụng - là van đóng mở ôxy của DN" - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.
Phát huy vai trò quỹ bảo lãnh
Trong bối cảnh này, một giải pháp có thể gỡ khó và giải bài toán tiếp cận vốn cho DN là phát huy vai trò của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ. Tại TP HCM, mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng này đã ra đời từ rất sớm nhưng chưa phát huy hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích ở trung tâm kinh tế như TP HCM với hàng chục ngàn DN vừa và nhỏ, nếu đầu tư cho quỹ bảo lãnh tín dụng số vốn điều lệ khoảng 1.000 tỉ đồng, để quỹ này đóng vai trò cầu nối giữa DN với NH và mỗi năm chấp nhận mất vốn khoảng 100 tỉ đồng từ ngân sách (chỉ bằng khoảng 1/10 bù lỗ cho xe buýt trên địa bàn) thì có thể làm vốn mồi cho hàng chục, hàng trăm DN tiếp cận được vốn NH.
"Cần đầu tư cho quỹ bảo lãnh tín dụng phát triển đúng tầm như một chiến lược, định hướng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế TP HCM. Bởi chỉ cần 10% DN vừa và nhỏ trong tổng số hàng chục ngàn DN đang hoạt động trên địa bàn được hỗ trợ và vài phần trăm trong số này phát triển thành DN vừa và lớn, niêm yết lên sàn sẽ đóng góp tích cực cho kinh tế thành phố" - TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần phải nâng vai trò của mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ với đội ngũ nhân sự là những chuyên gia tư vấn tài chính, đồng hành, hỗ trợ, tạo bệ đỡ cho các DN này.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng trong các giải pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của DN trên địa bàn. Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh DN vừa và nhỏ vay vốn, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và đối tượng DN này được hỗ trợ nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, bảo lãnh tín dụng đối với DN vừa và nhỏ thông qua hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng là giải pháp cần thiết cho nhóm DN này tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Các DN cũng có thể đa dạng hóa hình thức bảo đảm, cung cấp thông tin… thông qua quỹ này. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khắc phục hạn chế hiện nay về vốn hoạt động, về quy định bảo lãnh, mức bảo lãnh, điều kiện bảo lãnh; công tác thông tin tư vấn và quy trình thủ tục, bảo đảm thuận lợi hơn cho DN.
"Trước mắt, cần làm tốt công tác cải cách hành chính và hoạt động phối hợp giữa Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ với các tổ chức tín dụng, nhằm nắm bắt tốt thông tin khách hàng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ để tạo thuận lợi cho DN; nâng cao hiệu quả hoạt động này và trách nhiệm của các bên" - ông Nguyễn Đức Lệnh nhìn nhận.
Tăng tần suất kết nối ngân hàng với doanh nghiệp
Tại TP HCM, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2023 và hỗ trợ tốt hơn cho DN, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết ngành NH trên địa bàn sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt, giám sát và thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm quy định về lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Thúc đẩy các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực giải ngân các gói tín dụng ưu đãi lãi suất đã đăng ký và triển khai theo kế hoạch năm; áp dụng chính sách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho DN gặp khó khăn theo quy định; gói hỗ trợ 2% lãi suất...
"Chương trình kết nối NH và DN sẽ gắn với 2 chính sách lớn là giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục phát huy vai trò chủ động của các quận, huyện trong tổ chức chương trình kết nối với tần suất nhiều hơn và thiết thực theo hướng kết nối về vốn, tín dụng và dịch vụ. Tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP HCM và cả nước" - ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-7