Họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng
Ông Randy Schiefer nhớ lại năm 1969, lúc ông 16 tuổi, ông đã giật mình thức giấc lúc 4h sáng vì nghe tiếng hét của mẹ.
Gia đình đang ở khách sạn trong chuyến đi nghỉ tại New Jersey (Mỹ). Cha ông lên cơn đau tim. Ông hô hấp nhân tạo cho cha qua đường miệng nhưng không kết quả.
Ông chạy ra hành lang đập cửa kêu cứu nhưng chẳng ai giúp. Đêm đó, cha ông qua đời. Từ đó cứ mỗi lần nghĩ về cha, ông lại cảm giác thấy tội lỗi và sợ hãi đồng thời nghĩ đến cái chết của chính mình.
Tháng 3-2020, ông già ở tuổi thất thập cổ lai hy mắc COVID-19. Sau khi nhập viện, ông được gây mê và thở máy rồi mê man gần một tháng, cuối cùng vượt qua được sau đợt điều trị bằng huyết tương.
Đến khi con gái Lisa được phép ở lại phòng bệnh chăm sóc ông, lúc bấy giờ ông mới kể cho con nghe trải nghiệm cận kề cái chết của ông.
Ông khẳng định lúc hôn mê ông vẫn còn ý thức. Ông đi qua đường hầm có ánh sáng ấm áp dẫn đến căn phòng lớn có cửa sổ hình vòm và các cửa kính màu tràn ngập ánh sáng yêu thương.
Một quý ông đến gần bảo ông không thuộc về nơi đó nên ông phải rời đi. Ông bước qua cánh cửa gỗ sồi khổng lồ đến một thành phố dát vàng. Nơi đó giống như Paris nhưng đẹp và tinh khôi hơn. Cỏ trong công viên có màu xanh đậm khác thường.
Bất chợt ông nhận ra không biết mình đang ở đâu, làm thế nào để trở về và cảm thấy lạc lõng. Ông kể: "Tôi nhớ mình đã ngồi xuống, bắt đầu hoảng sợ rồi khóc".
Ông cảm thấy lạnh và sợ hãi. Đột nhiên ông nhìn thấy một cầu thang lớn màu trắng vươn đến tận bầu trời. Ông leo lên cầu thang, bò bằng tay và đầu gối, sau đó ai đó gọi tên ông, túm lấy áo kéo ông xuống. Rồi mọi vật chuyển sang đen ngòm và ông tỉnh lại.
Câu chuyện trải nghiệm của ông đã được phát trên Đài phát thanh công cộng quốc gia (Mỹ). Cô con gái Lisa cho rằng đó có thể là giấc mơ hay ảo giác do ông dùng thuốc liều cao. Song ông Schiefer phản bác: "Cảm giác rất thật. Ba đã ở đó. Ba cảm thấy rất bình yên và tràn ngập tình yêu thương".
Cô còn nhận thấy hành vi ứng xử của cha cô gần như thay đổi sau khi ông xuất viện về nhà. Ông như tìm thấy năng lượng mới, tỏ ra hào hứng và lạc quan hơn chứ không sống lạc lõng như trước.
Cô bộc bạch: "Trước khi mắc COVID-19, ba không bao giờ nói đến cái chết. Trong nhà không nói về thượng đế, không nói về thế giới bên kia". Còn bây giờ ông nói về cái chết với tâm trạng rất thoải mái.
Ông mở lòng kể lại đêm chứng kiến ông nội cô lên cơn đau tim qua đời. Những lần hoảng loạn từng hành hạ ông từ lúc ông nội mất đã chấm dứt. Ông bắt đầu tìm hiểu sâu về tôn giáo và cầu nguyện thường xuyên.
Trả lời tạp chí Newsweek, TS Bruce Greyson ở Đại học Virginia (Mỹ) nhận xét với tư cách là bác sĩ tâm thần, ông kiếm sống bằng cách giúp bệnh nhân thay đổi lối sống nhưng rất khó thực hiện.
Trong khi đó, trải nghiệm cận kề cái chết chỉ xuất hiện vài giây nhưng đủ sức thay đổi hoàn toàn thái độ, giá trị, niềm tin và hành vi của người sống sót.
Lần đầu tiên khi ông nghe nói người đã qua trải nghiệm này không còn sợ cái chết, ông đã lo họ dễ có ý định tự tử hơn. Song qua nghiên cứu, ông nhận thấy họ lại ít có ý định tự tử hơn nhiều so với những người chưa từng qua trải nghiệm.
Ông kể: "Họ trả lời khi không còn sợ chết, họ cũng không còn sợ cuộc sống. Do không sợ mất tất cả, họ sẽ không sợ nắm bắt cơ hội và sống hết mình. Chính điều đó làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, viên mãn hơn".
Sống nhân ái hơn, không đua đòi vật chất
Trải nghiệm cận kề cái chết xảy ra đối với mọi độ tuổi dù già trẻ bé lớn, tuy nhiên các công trình nghiên cứu cho thấy tuổi càng trẻ, xác suất xảy ra trải nghiệm này càng cao hơn.
Theo nghiên cứu của bác sĩ y khoa Pim van Lommel (Hà Lan), người đã qua trải nghiệm này có những thay đổi trong cuộc sống như sau:
- Họ không còn nhìn nhận bản thân như cũ mà trở nên khoan dung hơn với bản thân và với người khác.
- Họ trở nên cuồng kiến thức, bắt đầu tìm đọc các tác phẩm về khoa học và tâm linh.
- Họ phát triển lòng trắc ẩn đối với người khác hơn trước với nhu cầu chân thành và từ bỏ tính hung hăng.
- Họ định hướng lại các mục tiêu trong cuộc đời, ít quan tâm hơn đến sự nghiệp chuyên môn và mọi thứ vật chất như của cải, quyền lực, uy tín, danh tiếng, cạnh tranh.
- Họ xem trọng hơn các chi tiết nhỏ trong cuộc sống, người thân, bạn bè và thiên nhiên.
- Họ không còn sợ cái chết và khẳng định cái chết sẽ mở ra một hình thức tồn tại khác.
- Niềm tin vào tôn giáo có xu hướng biến mất và nhường chỗ cho tâm hồn rộng mở hơn, phổ quát hơn, không bị bó buộc vào giáo điều hay truyền thống.
- Một số người mẫn cảm hơn với ánh sáng, âm thanh, xúc giác, mùi vị.
- Cuối cùng trực giác của họ dường như phát triển hơn, họ dễ dàng đoán được cảm xúc và các vấn đề khó khăn của người khác.
TS Janice Holden (Mỹ) - chủ tịch Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu cận kề cái chết (IANDS) - giải thích: "Về thể chất, họ thay đổi thói quen ăn uống, tránh ăn thịt và ít ngủ hơn. Tôi phát hiện một điều thú vị là các thiết bị điện sẽ bị trục trặc nếu để gần những người này.
Ngoài ra, còn có những thay đổi về xã hội như nguy cơ ly hôn cao hơn nếu người sống sót đã kết hôn vào thời điểm xảy ra trải nghiệm. Họ sẽ thay đổi về nghề nghiệp như có sở thích mới đối với các công việc hướng đến cộng đồng như giảng dạy, tư vấn".
TS Bruce Greyson lưu ý: "Sự thay đổi này không biến mất theo thời gian. Tôi đã nói chuyện với nhiều người ở độ tuổi 90 vốn là những người từng qua trải nghiệm cận kề cái chết hồi thời niên thiếu. Họ nói mọi chuyện cứ như mới xảy ra hôm qua và họ không bao giờ có thể quay lại lối sống cũ được nữa".
Tôi đã chứng kiến các doanh nhân hay mua bán cắt cổ sau khi trải qua trải nghiệm này đã nhận thức rằng cạnh tranh là điều ngớ ngẩn. Và họ thường chuyển sang làm các nghề giúp đỡ người khác như chăm sóc y tế, giảng dạy, làm công tác xã hội hoặc tu sĩ...".
------------------
Các nhân chứng sống trong nhiều môi trường văn hóa khác nhau như Mỹ, Anh, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc có trải nghiệm cận kề cái chết giống nhau hay không? Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận thế nào về vấn đề này?
Kỳ tới: Tây, Tàu có trải nghiệm giống nhau không?
Cháy xe, xe tự trôi, đóng kín cửa gây ngạt khí… đã gây ra hậu quả đau lòng. Một số chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng cũng không thiếu những vụ lãnh hậu quả do “chơi ngông”.