Sáng nay (11-7), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Phiên tòa dự kiến kéo dài trong một tháng, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.
515 lần nhận hối lộ của 21 cựu quan chức liên quan "chuyến bay giải cứu"
Ông Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao - và ông Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý phó thủ tướng - cùng bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ, với khung truy tố có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
52 bị cáo còn lại, trong đó có 19 cựu quan chức nhà nước, bị đưa ra xét xử về các tội: đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó nhiều bị cáo từng giữ vị trí cán bộ cao cấp tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Nam.
Tòa triệu tập 19 công ty thương mại du lịch, dịch vụ và 46 người với tư cách có quyền, nghĩa vụ liên quan cùng 33 nhân chứng, trong số này có nhiều cán bộ ngoại giao. Hơn 100 luật sư đăng ký bào chữa cho 54 bị cáo, riêng cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng có 3 luật sư.
Trước đó, giữa tháng 4, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 người trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Viện kiểm sát cáo buộc 21 quan chức, cán bộ của nhiều bộ ngành, địa phương đã hơn 500 lần nhận 165 tỉ đồng tiền "bôi trơn" của nhóm hơn 100 doanh nghiệp để giải quyết thủ tục vụ "chuyến bay giải cứu".
Quan chức cao nhất bị truy tố trong giai đoạn 1 của vụ án là ông Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dũng bị quy kết nhận hối lộ 21,5 tỉ của các doanh nghiệp trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Người nhận hối lộ nhiều nhất bị truy tố trong giai đoạn 1 của vụ án là ông Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ông Kiên bị quy kết có đến 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ đồng.
Theo viện kiểm sát, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc dịch COVID-19 căng thẳng. Các bị cáo đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút. Các hành vi này đã tạo điều kiện cho "thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân".
Nhiều bị cáo nộp lại tiền nhận hối lộ
Nhiều bị cáo là cựu quan chức trong vụ "chuyến bay giải cứu" đã nộp lại ít nhất 3/4 số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ khi tòa đưa vụ án ra xét xử.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý phó thủ tướng - 5 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 4,26 tỉ đồng.
Đến nay, ông Linh cùng gia đình đã nộp 4,47 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Ông Linh cũng được ghi nhận thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án.
Tương tự, bị cáo Trần Văn Tân - cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã nộp lại 4 tỉ đồng trên tổng số 5 tỉ bị cáo buộc nhận hối lộ.
Ông Chử Xuân Dũng - cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cùng gia đình nộp lại 1,75 tỉ đồng trên tổng số 2,05 tỉ đồng nhận hối lộ. Bị cáo Vũ Hồng Nam - cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - cũng nộp lại 1,84 tỉ đồng, đúng bằng số tiền nhận hối lộ.
Mới đây, trước khi phiên tòa được mở, luật sư bào chữa cho cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết thân chủ của mình bày tỏ nhận thức được hành vi của ông là không đúng, đã cùng gia đình khắc phục số tiền 16,2 tỉ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Kế hoạch "chạy án" hơn 2 triệu USD
Ngoài hành vi đưa, nhận hối lộ để thực hiện "chuyến bay giải cứu", còn có nhóm bị cáo bị đưa ra xét xử với cáo buộc đã móc ngoặc để "chạy án" cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Lê Hồng Sơn - cựu tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh và Nguyễn Thị Thanh Hằng - cựu phó tổng giám đốc - là hai người bị cáo buộc đưa số tiền hối lộ lớn nhất trong vụ án, lên đến hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, hai người này chi 38,5 tỉ "bôi trơn" 12 quan chức để được cấp phép 109 chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương.
Khi vụ án được điều tra, lo sợ vướng lao lý, bà Hằng đã tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an TP Hà Nội) để nhờ "chạy án".
Cơ quan truy tố xác định bà Hằng và ông Sơn đã đưa hối lộ 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ) cho cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để nhờ Hoàng Văn Hưng - trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) - giúp "chạy án". Tuy nhiên, kế hoạch "chạy án" triệu đô này không thành.
Viện kiểm sát đã cáo buộc 21 quan chức, cán bộ của nhiều bộ ngành, địa phương đã hơn 500 lần nhận 165 tỉ đồng tiền "bôi trơn" của nhóm hơn 100 doanh nghiệp để giải quyết thủ tục vụ "chuyến bay giải cứu".