Thấy chúng tôi theo chân những người săn bắt chuột đồng, anh Huỳnh Văn Tánh (xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) - chủ 3 công ruộng - liền khuyên: "Đừng ăn chuột đồng này. Tui làm lúa, không dám ăn thịt chuột".
Bởi theo anh, cả cánh đồng này người làm lúa đều đánh thuốc chuột xuyên suốt để bảo vệ mùa màng.
Chuột đồng bị đánh bả thuốc suốt mùa vụ
Theo anh Tánh, trước khi sạ lúa, nông dân phải đánh thuốc để diệt chuột. "Sau khi đánh thuốc khoảng 3-4 ngày thì chuột chết. Có con bị lây không chết liền mà khoảng một tuần sau mới chết. Nếu không đánh thuốc, chuột sẽ ăn hết lúa mới sạ", anh Tánh nói.
Không riêng gì anh Tánh, các hộ nông dân làm lúa trên cánh đồng xã Đông Thạnh khi được hỏi đều cho biết cứ 15 ngày họ phải đánh thuốc chuột một lần, cứ thế xuyên suốt cho đến lúc thu hoạch. Nhà nông làm vậy để kéo giảm tỉ lệ chuột cắn phá lúa xuống còn khoảng 20 - 30%.
Với bề dày kinh nghiệm gần 15 năm làm lúa mùa, ông Sơn Thia (xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) kể mỗi lần đi thăm ruộng, nếu thấy dấu hiệu chuột cắn phá một lõm to bằng chiếc thúng thì ngay ngày hôm sau ông sẽ trộn thuốc đem ra đánh bả thuốc.
"Vì nếu không đánh, chỉ cần 3-4 ngày sau đó chuột cắn thành một vạt rất to. Hiện loại thuốc hay được nhà nông bả chuột là loại ngăn cơ thể chuột đông máu. Chuột ăn trúng thuốc không chết ngay, sau đó về hang ổ rồi tiếp tục lây cho bầy đàn. Ít ngày sau, chuột vẫn còn sức đi cắn tiếp, đến khi thấm thuốc mới chết", ông Thia nói.
"Thường thì chúng tôi đánh thuốc theo vị trí chuột cắn phá, tùy mức độ mà tính toán lượng bả thuốc. Ở những vị trí ruộng gần gò đất cao, vườn thì lượng bả thuốc càng nhiều vì đây là nơi chuột tập trung sinh sống.
Thuốc có mùi rất kích thích đối với chuột, lôi kéo cả đàn tới ăn. Thường thì chuột ăn trúng thuốc không chết ngay, cũng không chết ngay tại ruộng mà chúng chết rải rác nhiều nơi", ông Thia cho biết thêm.
Anh Tánh nói thêm cách nhận biết chuột bị trúng thuốc, như chuột khi bắt về thấy ốm, lừ đừ, đi không nổi. Khi làm thịt thấy nội tạng nổi u nhọt, nổi đốm trắng trong gan và bao tử.
"Có thời điểm đi ruộng, tui thấy chuột trúng thuốc bò không nổi, chỉ lết nhưng vẫn đi cắn lúa. Thậm chí có lúc chuột đang cắn lúa thì lật ngang ra chết", anh Tánh nói.
Các nhà nông cho rằng nếu suốt mùa vụ không đánh thuốc chuột thì sản lượng lúa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bình thường 1 công ruộng thu hoạch từ 600 - 800kg, nếu để chuột phá hoại sẽ hao hụt từ 30 - 40%. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc diệt chuột.
Trong đó có loại dạng viên kẹo, dạng bột dùng để trộn với mầm lúa hoặc loại được trộn sẵn đóng gói thành bao nhỏ. Giá bán các loại thuốc diệt chuột dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/bao.
Anh S.H.M. - nhân viên làm việc tại một trạm y tế xã ở Vĩnh Long, đồng thời là chủ 10 công ruộng - cho biết: "Cả mùa lúa, nếu không đánh thuốc chuột thường xuyên thì chúng cắn phá thấy xót. Chuột sau khi ăn thuốc, chúng có thể di chuyển từ đồng này sang đồng khác cách vài cây số. Bản thân tôi khuyến cáo không nên ăn thịt chuột bắt ở ruộng đang trồng lúa", anh M. cho hay.
Khó biết thịt chuột trúng bả thuốc
Dân săn bắt chuột hiện sử dụng nhiều cách, như xuyệt điện và đặt bẫy rập là nhiều và hiệu quả nhất, rồi đến đào hang hoặc bắt theo máy gặt. Mỗi ký chuột đồng chưa làm sạch có giá 50.000 đồng, làm thịt sẵn khoảng 100.000 đồng.
Chúng tôi gặp ông K. (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) - người chuyên săn bắt chuột về bỏ mối cho các chợ, quán nhậu.
Ông kể khi đi bắt nếu phát hiện nông dân đánh thuốc thì mới biết chuột khu đó không an toàn. Nhưng khi chuột ăn trúng thuốc chưa chết, di chuyển qua ruộng khác mới dính bẫy thì rất khó phát hiện.
"Sau mỗi đêm săn, tôi làm thịt ngay trong sáng hôm sau để mang đi bỏ mối cho chợ, quán nhậu. Nói thật, rất khó để biết thịt chuột đó có bị ăn trúng bả thuốc hay không. Cách duy nhất để biết là nuôi nhốt chúng vài ngày, chúng mà chết thì chuột trúng thuốc", ông K. nói.
Chúng tôi tìm đến một khu chợ xã, nơi ông K. vừa bỏ mối chuột đồng thì gặp người phụ nữ vẫn còn bày bán mâm chuột đã được làm sạch. Được hỏi về nguồn gốc, người phụ nữ khẳng định đó là chuột săn bắt ngoài đồng, nhưng việc bắt và sơ chế thế nào thì bà không rõ.
Ông T. - chủ một quán nhậu ở TP Cần Thơ - cũng cho biết mình đặt chuột thông qua mối cung cấp hàng. Chuột được cung cấp theo mùa, theo từng loại khác nhau. Có lúc thì chuột cống nhum, có lúc chuột khóm, chuột đồng.
"Khi nhận hàng thì chuột đã được làm sạch, chúng tôi chỉ chế biến. Nói thật là trước giờ tôi cũng không hình dung được chuyện chuột đồng bị đánh thuốc liên miên suốt mùa lúa và chuột ăn thuốc sẽ không chết ngay. Do đó, nguy cơ con người ăn trúng loại chuột này là có khả năng", ông T. nhìn nhận.
Người bán nói chưa thấy ai bị gì?
Phóng viên tiếp tục đến chợ chuột Phù Dật (huyện Châu Phú, An Giang), nơi được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây, mỗi ngày cung ứng vài tấn thịt chuột đi khắp các tỉnh thành. Chị P.T.K.Y. (ngụ xã Bình Long) vừa làm xong 5kg thịt chuột, gửi hàng đến TP Cần Thơ.
Chị kể mỗi ngày thu mua từ 30 - 50kg chuột với giá 50.000 đồng/kg. Sau khi làm sạch, chị bán cho thương lái với giá 130.000 đồng/kg.
Chị Y. khẳng định thêm mình làm mấy chục năm nay chưa nghe nói ăn thịt chuột bị bệnh gì vì chị chỉ mua chuột đồng loại còn sống chứ không mua chuột đã chết.
Còn theo bà N.T.T., mỗi ngày cũng thu mua và cung cấp thịt chuột từ vài trăm ký đến hơn 1,5 tấn, chủ yếu là cung cấp cho chợ Trà Ôn, TP Long Xuyên. Khi nào khách ở Sài Gòn, Bình Dương mua thì bà gửi theo xe.
"Tôi làm nghề mua bán chuột tới giờ nhưng chưa phát hiện ai bị bệnh gì hết. Nếu con chuột mang theo thuốc trong thịt làm người ăn thịt nó bị bệnh thì chính quyền cần phải kiểm nghiệm để người dân biết", bà đặt vấn đề.
Nhà sản xuất khuyến cáo
Loại thuốc diệt chuột mà anh Tánh, anh M. hay dùng là loại Racumin 0.75 TP mang nhãn hiệu Bayer. Nhà sản xuất khuyến cáo rõ trên bao bì khi sử dụng thuốc phải mang găng tay, khẩu trang, không ăn uống hay hút thuốc lá.
Sau khi sử dụng thuốc xong nên thay quần áo và tắm giặt kỹ, tránh thú nuôi ăn phải bả. Khi có dấu hiệu ngộ độc, cần đưa bệnh nhân đến cơ quan y tế gần nhất kèm theo bao bì sản phẩm. Thuốc giải độc là vitamin K1.
Còn loại ông Thia hay dùng là Broma 0,005AB. Loại thuốc này diệt chuột từ 2-5 ngày sau khi chuột ăn trúng bả. Nhà sản xuất cũng khuyến cáo rõ trên bao bì rất độc hại với con người.
Khi sử dụng phải mang bao tay, khẩu trang, tránh tiếp xúc với da, rất độc hại với động vật khác và có thể gây tử vong cho người sau khi nuốt phải.
Bác sĩ cảnh báo
Bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc - phó khoa hồi sức tích cực và chống độc (ICU) Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long - cho biết hiện trên thị trường có hai nhóm thuốc diệt chuột. Nhóm thứ nhất là phốt pho kẽm, chuột ăn trúng sẽ chết sau khi đi uống nước.
Nhóm thứ hai là loại kháng vitamin K, gây xuất huyết não, rối loạn đông máu nên chuột sẽ chết.
"Thuốc diệt chuột hiện nhà nông ưa sử dụng là loại có chất lưu dẫn như thuốc diệt mối. Khi chuột ăn trúng sẽ không chết ngay mà về hang, ổ rồi lây lan cho cả đàn.
Nếu lỡ bắt trúng chuột bị nhiễm thuốc nhưng chưa chết và mang về làm thịt ăn thì cơ thể con người cũng bị nhiễm độc.
Tùy lượng thuốc con người ăn phải và sức đề kháng mà cơ thể sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tôi đã từng tiếp nhận, điều trị cho cả hai nhóm thuốc diệt chuột nói trên", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc thịt chuột. "Cơ thể nhiễm thuốc diệt chuột loại phốt pho kẽm sẽ có triệu chứng nôn ói, đau bụng, nhức đầu.
Còn nhiễm thuốc chuột nhóm kháng vitamin K sẽ có triệu chứng chảy máu chân răng, xuất huyết bao tử, xuất huyết não. Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị", bác sĩ Phúc cho biết thêm.
TTO - Chưa thấy tài liệu nào xác định chính thức thịt chuột xuất hiện trên mâm cơm của người Việt từ bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn ở cái xứ sở Chín Rồng (Đồng bằng sông Cửu Long), thịt chuột đồng từ lâu đã thành "món ruột".