Từ tháng 3/2002, Kiến trúc sư trưởng TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đối với Khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu, quy mô hơn 41 héc-ta, nhưng dự án chưa được triển khai. Năm 2007, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ di dời ga Bình Triệu và ga Sài Gòn ra ngoài trung tâm thành phố, nhằm giảm kẹt xe và xóa quy hoạch "treo" cho người dân, nhưng kiến nghị này không được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chấp nhận.
Đến tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đồng ý xây dựng mới ga Sài Gòn với diện tích 6,14 héc-ta và ga Bình Triệu. Trong đó, ga Bình Triệu được xác định là ga hành khách đường sắt phía Bắc TPHCM. Sau đó, Bộ GTVT ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực TPHCM; trong đó ga Bình Triệu là một trong các ga đầu mối chính, có chức năng tàu khách, trung chuyển khách từ đường sắt sang các loại hình giao thông công cộng khác.
Tiếp nối diễn biến trên, vào tháng 9/2013, TPHCM ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉ lệ 1/2000 đối với Khu đầu mối giao thông Bình Triệu, diện tích ga Bình Triệu được điều chỉnh tăng lên 47,35 héc-ta. Cuối tháng 02/2014, Bộ GTVT thống nhất giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ưu tiên nghiên cứu đầu tư khu vực ga Bình Triệu. Hai năm sau, Cục Đường sắt Việt Nam tiến hành cắm 212 điểm mốc giới tại các phường: Tam Phú, Linh Tây, Linh Đông và Hiệp Bình Chánh. Sau đó, Cục Đường sắt Việt Nam bàn giao cho TPHCM quản lý mà chưa có động thái xây dựng nào. Kể từ đó đến nay, ga Bình Triệu vẫn "đắp chiếu", chưa biết khi nào mới triển khai.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ga Bình Triệu hiện nay là khu đất rộng lớn, không còn chức năng đón trả khách, tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa. Xung quanh khu đất là những tường rào bằng bê-tông và lưới B40 cũ kỹ. Bên trong có 2 dãy toa tàu và nhiều đường ray cùng một số thiết bị, máy móc cũ nằm phơi giữa nắng mưa. Nhiều chỗ trên đường ray bị gỉ sét từng mảng; nhiều toa tàu xuống cấp, hư hỏng, bong tróc lớp sơn bên ngoài. Một số chỗ được người dân tận dụng để trồng rau, nuôi gà, có chỗ cỏ dại mọc um tùm. Sát đường ray là đường đất, đá lởm chởm, nhiều "ổ gà”, "ổ trâu", nắng bụi, mưa sình, rác rưởi tùm lum.
Theo UBND Q.Thủ Đức cũ, dự án ga Bình Triệu "treo" nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của hơn 3.200 hộ gia đình, với hơn 15.000 nhân khẩu. Nhiều căn nhà trong khu quy hoạch xuống cấp, nhưng không thể xây mới mà chỉ được sửa chữa nhỏ. Việc cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng ách tắc. Khu vực này chưa được nâng cấp, mở rộng đường sá, hệ thống thoát nước. Hầu hết các con đường trong khu quy hoạch đều tự phát, ngoằn ngoèo, chật hẹp, gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và tiêu thoát nước. Trước thực trạng đó, UBND Q.Thủ Đức cũ, Sở GTVT và UBND TPHCM nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai ga Bình Triệu, nhưng chưa được thực hiện. Người dân tiếp tục sống trong cảnh "đi không được, ở không xong".
Làm việc với chính quyền TPHCM vào giữa tháng 4/2023, ông Nguyễn Văn Thắng (Bộ trưởng Bộ GTVT) thông tin, dự án ga Bình Triệu, ga Thủ Thiêm và các dự án đường sắt khác sẽ khởi công trong thời gian từ sau năm 2025 đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị, thời gian tới, trong quá trình chuẩn bị các dự án đường sắt, TPHCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, đồng thời lên kế hoạch xây dựng, vận hành các nhà ga đường sắt thương mại, dịch vụ nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Xem thêm: lmth.045941_yaig-nert-man-nav-ueirt-hnib-ag-na-ud-man-02-noh-ueihc-pad/h42-gnoht-oaig/nv.moc.nagnoc