Sáu bị cáo bao gồm: Phạm Ngọc Xuyến (67 tuổi, cựu giám đốc), Trần Ngọc Hưng (78 tuổi, cựu thủ quỹ), Nguyễn Tiến Dũng (46 tuổi, cựu kế toán trưởng), Vũ Thanh Hà (63 tuổi, cựu cán bộ tín dụng), Trần Uy Quyền (61 tuổi) và Trần Hiến Minh (60 tuổi, cùng cựu kiểm soát viên).
Cả sáu bị cáo nguyên là lãnh đạo và nhân viên Quỹ tín dụng nhân dân Gia Kiệm (viết tắt Quỹ tín dụng), cùng bị truy tố về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ngoài ra, hai người khác gồm ông Vũ Văn Hòa (cựu chủ tịch hội đồng quản trị) và ông Nguyễn Văn Lợi (cựu trưởng ban kiểm soát) là chủ mưu cầm đầu nhưng đã chết.
Theo cáo trạng, Quỹ tín dụng Gia Kiệm (ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) được thành lập từ năm 1996 và đã có nhiều sự thay đổi về nhân sự.
Từ năm 2008, Hòa, Xuyến, Dũng, Hưng, Lợi, Hà, Quyền, Minh bàn bạc chiếm đoạt tiền của Quỹ tín dụng bằng cách trực tiếp đứng tên, lập khống hồ sơ tín dụng tên của người khác để vay tiền quỹ tiêu xài cá nhân nhưng không trả lãi và gốc.
Khi đến hạn tất toán hợp đồng, các bị cáo lập hồ sơ tín dụng vay mới để thay thế hợp đồng tín dụng vay trước. Các bị cáo cũng không đưa tiền gửi của 91 khách hàng vào hoạt động cho vay để sinh lợi mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.
Do vậy, Quỹ tín dụng hoạt động trong tình trạng thu không đủ bù chi, phải lấy tiền của người gửi sau chi trả tiền gốc và lãi cho các khách hàng gửi tiền trước hoặc khách hàng có nhu cầu rút…
Tháng 1-2018, Quỹ tín dụng hoàn toàn mất cân đối về nguồn vốn kinh doanh, bị tê liệt và mất khả năng chi trả, không còn khả năng thanh khoản cho những nguồn vốn đã huy động của quỹ. Những sai phạm này gây thất thoát số tiền hơn 33,7 tỉ đồng.
Cụ thể, từ năm 2010 đến năm 2018, bị can Xuyến đã chỉ đạo nhân viên lập khống 105 hồ sơ tín dụng để rút số tiền gần 9,5 tỉ đồng sử dụng cho hoạt động chung của quỹ.
Ngoài ra từ năm 2008 đến 2016, Xuyến cũng chỉ đạo các bộ phận lấy thông tin của khách hàng đã gửi tiết kiệm, hoặc tự lập khống hồ sơ gửi tiết kiệm, sau đó tự rút số tiền nhiều hơn số tiền khách hàng đã gửi.
Trong đó các bị cáo tự làm hồ sơ 15 sổ tiết kiệm rút tiền nhiều hơn số tiền khách hàng gửi, lập 17 sổ tiết kiệm khống để rút tiền (tổng số tiền hơn 8,5 tỉ đồng) và rút tiền mặt hơn 1 tỉ đồng.
Mặt khác, từ năm 2017 - 2018, các bị cáo Hòa, Xuyến, Hưng, Lợi, Quyền, Hà và Minh đã lập 7 hợp đồng vay tín chấp đứng tên người khác rồi dùng số tiền vay này làm hồ sơ góp vốn khống. Các bị cáo còn cùng nhau lập 145 hồ sơ vay tín dụng khống với tổng số tiền gần 14,7 tỉ đồng nhằm rút tiền của khách hàng gửi tiết kiệm để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận biết Quỹ tín dụng hoạt động thua lỗ trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, vì muốn chiếm đoạt tiền nên đã cấu kết với nhau lập khống, ký khống hồ sơ để rút tiền tiêu xài cá nhân.
Dự kiến phiên tòa kéo dài 3 ngày (từ ngày 11 đến 13-7). Ngày mai 12-7, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.
TTO - Nhiều người gửi tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến ở Biên Hòa, Đồng Nai, đến rút tiền nhưng không thể giao dịch vì nơi đây đã bị kiểm soát đặc biệt.