Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Macron cho biết ông đã quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để giúp nước này phản công Nga.
"Tôi đã quyết định tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị để Ukraine có khả năng tấn công sâu", ông Macron nói, đồng thời từ chối cho biết sẽ gửi bao nhiêu tên lửa.
Theo Hãng tin Reuters, một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết các bên đang bàn về 50 tên lửa SCALP do nhà sản xuất châu Âu MBDA sản xuất.
Trong khi đó, một nguồn tin quân sự Pháp nói các tên lửa này sẽ được lấy từ các kho dự trữ quân sự hiện có của Pháp, đồng thời cho biết thêm rằng đó sẽ là một "số lượng đáng kể".
Paris trước đây đã cung cấp tên lửa phòng không vác vai Mistral cho Ukraine và tên lửa phòng không tầm ngắn Crotale, được sử dụng để đánh chặn tên lửa và máy bay bay thấp.
Trước đây, Ukraine đã yêu cầu cung cấp tên lửa tầm xa trong nhiều tháng nhưng Mỹ, nhà cung cấp chính của nước này, vẫn chưa đồng ý cung cấp.
Hồi tháng 5 vừa qua, Anh cho biết họ đang cung cấp tên lửa do MBDA sản xuất, được gọi là Storm Shadow.
Phiên bản tên lửa này của Pháp, được gọi là SCALP, có tầm bắn khoảng 250km, gấp ba lần năng lực của tên lửa Ukraine hiện có.
Các tên lửa đã được tích hợp vào các máy bay chiến đấu Ukraine do Nga sản xuất, nguồn tin quân sự Pháp cho biết.
Tuy nhiên, nguồn tin trên bác bỏ ý kiến cho rằng việc cung cấp các tên lửa tầm xa là một sự leo thang. Người này nói rằng việc sử dụng chúng là tương xứng và lưu ý rằng Nga đang sử dụng tên lửa hành trình phóng từ khoảng cách hàng nghìn km.
Nguồn tin này cho rằng tên lửa tầm xa sẽ giúp "tái cân bằng mọi thứ và cho phép Ukraine tấn công sâu vào phòng tuyến của Nga và có thể xâm nhập các mục tiêu khó khăn hơn".
Trong khi đó, Tổng thống Macron cho rằng việc chuyển giao sẽ tuân thủ chính sách của Pháp trong việc hỗ trợ Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình, ngụ ý rằng Paris đã nhận được sự đảm bảo từ Kiev rằng tên lửa sẽ không được bắn vào Nga.
Đức kêu gọi đảm bảo an ninh Ukraine sau chiến tranh
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố các thỏa thuận cần thiết sẽ được thực hiện để đảm bảo Ukraine nhận được các đảm bảo an ninh sau chiến tranh.
"Đối với chúng tôi, điều quan trọng ngay từ đầu là có những đảm bảo an ninh cho Ukraine có thể mang lại hiệu quả, một khi hòa bình được lập lại. Và vì điều này, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các thỏa thuận cần thiết", ông Scholz nói.
Ngày 11-7, Triều Tiên đã lên án quyết định gửi bom chùm tới Ukraine của Tổng thống Mỹ Joe Biden là "tội ác" và yêu cầu Mỹ rút lại kế hoạch này ngay lập tức.