Ngày 11/7, Tòa án nhân dân Tp.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ đại án “chuyến bay giải cứu”. Phiên tòa có 54 bị cáo bị truy tố 5 tội danh, bao gồm đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau 6 giờ đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng dài 102 trang, từ 16h20 đến hết giời gian làm việc của ngày đầu xét xử, HĐXX đã chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo, trong đó tập trung hỏi các bị cáo là cá nhân, đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ hoặc mô giới hối lộ.
Điểm chung của các bị cáo là đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên phần lớn bị cáo cũng cho rằng không phải tự nhiên mà đưa hối lộ cho các cán bộ, lãnh đạo mà đều là vì nếu không đưa tiền "bôi trơn" thì sẽ bị gây khó khăn trong xin cấp phép chuyến bay giải cứu dù đã nộp đủ và nộp nhiều lần hồ sơ xin cấp phép.
Như trong phần khai nhận của mình, bị cáo Phan Thị Mai - nguyên Giám đốc Công ty Sao Hà Nội cho rằng, sở dĩ xảy ra việc đưa tiền để “bôi trơn” do hồ sơ bị cáo này gửi lên để cấp phép chuyến bay đã lâu mà chưa được duyệt.
Do đó, bị cáo Mai này đã sử dụng quan hệ cá nhân để tìm cách liên hệ với Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế).
“Bị cáo nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự, sau khi nộp và được cấp phép thì có nhận được thông tin từ Cục quản lý xuất nhập cảnh là không thấy doanh nghiệp liên hệ, nên được Lê Tuấn Anh (bấy giờ là Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự) cho số điện thoại của Vũ Anh Tuấn (nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an). Bị cáo đã liên hệ anh Tuấn, lúc đó đang cách ly tại Covid-19 nên chưa gặp được.
Tháng 9 bị cáo mới lên gặp được, anh Tuấn nói: Với các doanh nghiệp đã tổ chức chuyến bay thì phải có chi phí cám ơn nên bị cáo có gửi 360 triệu cho Vũ Anh Tuấn và nhờ Vũ Anh Tuấn xét duyệt chuyến bay cho bị cáo”, bị cáo Phan Thị Mai khai tại tòa.
Sau đó, Vũ Anh Tuấn hướng dẫn Mai liên hệ với Ngô Quang Tuấn (Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT) để đưa số tiền 200 triệu với mục đích để Tuấn tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT ra văn bản chấp thuận công ty của Mai thực hiện chuyến bay.
Bị cáo Mai cũng cho biết có đưa cho Phạm Trung Kiên 600 triệu theo yêu cầu của Kiên. “Bị cáo gặp bị cáo Kiên và bị cáo Kiên có yêu cầu có tiền cảm ơn để xét duyệt chuyến bay”, Mai khai.
Liên quan đến số tiền 25.000 USD đưa cho cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, bị cáo Mai cho biết thấy hồ sơ chưa được cấp phép, trong khi số lao động ở nước ngoài nhiều nên tìm cách liên hệ với Cục Lãnh sự tạo điều kiện và có xin gặp ông Dũng để xin hỗ trợ.
Sau khi chuyến bay được thực hiện, Mai gửi “cảm ơn” Tô Anh Dũng và Đỗ Hoàng Tùng (Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự) mỗi người 25.000 USD. Đồng thời gửi 2.000 USD cảm ơn Lê Tuấn Anh (Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự).
Kết quả, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, công ty của Phan Thị Mai đã được cấp phép 15 chuyến bay. Đổi lại bị cáo này phải đưa hối lộ 9 lần cho 7 cá nhân với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, bị cáo Vũ Minh Thắng - Giám đốc Công ty Đầu tư và Thương mại Thuận An cho biết, sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên ngày 23/20/2021 do bị cáo này đã “chi” 600 triệu đồng cho Cục trưởng Lãnh sự.
Ngay sau đó, Thắng nhận được yêu cầu của 2 bị cáo Vũ Anh Tuấn (Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Phạm Trung Kiên “lên gặp nói chuyện” và đề nghị phải “chi” 150 triệu/chuyến bay để "báo cáo sếp để cấp phép".
"Vũ Anh Tuấn nói rõ là phải chi 150 triệu đồng cho mỗi chuyến để báo cáo sếp thì mới được cấp phép. Kiên cũng đưa ra giá tương tự ", bị cáo Vũ Minh Thắng khai tại tòa.
Sau đó, bị cáo Thắng có đưa cho bị cáo Kiên 300 triệu cho 2 chuyến bay và bị cáo Tuấn 1 lần là 150 triệu, cộng với phong bì 20 triệu. Lý do bị cáo Thắng không đưa cho bị cáo Tuấn thêm 150 triệu như "thỏa thuận" là bởi "bị cáo Tuấn không nhắc".