Ngày 11.7, tại kỳ họp họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV diễn ra phiên chất vất. Điện lực Quảng Ninh, Sở Công thương Quảng Ninh giải trình trước cử tri về việc mất điện trên diện rộng thời gian vừa qua gây ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, người dân phải chịu khổ.
Theo ông Phạm Đình Chấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, việc tiết giảm công suất trong thời gian qua tại địa phương này là bất khả kháng, không mong muốn do nhiều yếu tố khách quan.
Ông Chấn cũng cho biết, cách triển khai vẫn còn có bất cập, đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh trong toàn tỉnh. Đặc biệt, việc tiết giảm công suất và chưa kịp thời thông báo làm ảnh hưởng đến các khách hàng phải thực hiện việc ngừng cấp điện.
Về hạ tầng kỹ thuật, Công ty Điện lực Quảng Ninh đang quản lý vận hành lưới điện có quy mô lưới điện thuộc tốp đầu các công ty trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Hiện nay, nhu cầu công suất sử dụng mức cao nhất trong toàn tỉnh Quảng Ninh mới đạt tỷ lệ khoảng 40%. Như vậy hệ số dự phòng về công suất tại tỉnh rất tối ưu, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện đáp ứng phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và sinh hoạt tiêu dùng cho nguòi dân trong tỉnh.
Cam kết đảm bảo cung cấp điện
Giải trình về việc liên tiếp mất điện trên diện rộng thời gian vừa qua, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh, cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm.
Theo bà Hiền, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài đã làm tăng nhu cầu sử dụng điện, dẫn đến các hồ thủy điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng và nhiều nhà máy nhiệt điện gặp sự cố.
Do đó ngành điện đã thực hiện điều phối phân bổ cho các tỉnh, thành phố và Quảng Ninh có thời điểm sa thải gần 40% công suất phụ tải nên Công ty Điện lực Quảng Ninh phải thực hiện sa thải phụ tải khẩn cấp và không thông báo kịp cho khách hàng.
Đáng chú ý, 7 nhà máy nhiệt điện đã hoạt động phát điện tối đa công suất. Riêng tháng 6 vừa qua các nhà máy đã sản xuất 3,4 tỷ kWh, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, 4 nhà máy xi măng, chủ đầu tư Khu công nghiệp Sông Khoai; Khu công nghiệp Texhong đã thỏa thuận ký cam kết tự nguyện tiết giảm 70 MW và lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất tiết giảm 59 MW; khu công cộng, khách hàng là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công sở và người dân đã tiết giảm được 10 MW.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên cấp điện cho địa phương để đảm bảo tính liên tục của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng, du lịch, nuôi trồng thủy sản; giữ ổn định an ninh trật tự, đời sống dân sinh. Nhờ đó, từ giữa tháng 6 đến nay Quảng Ninh đã không còn tình trạng mất điện đảm bảo điện phục vụ người dân.