vĐồng tin tức tài chính 365

PGS.TS. Phạm Thế Anh: Giai đoạn này cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa để phục hồi kinh tế

2023-07-12 09:47

Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức

Ngày 11/7, tại tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” diễn ra tại Hà Nội do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp. Và trong tình hình đó, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 - do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%.

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 7,9% trong năm 2022.

Toàn cảnh tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: “Phục hồi tổng cầu - thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” diễn ra sáng ngày 11/7/2023. (Ảnh: Việt Dũng)

Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.

"Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022", PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu nhìn nhận.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022 - 2023, mặc dù đã qua 1 năm rưỡi, nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch.

Phân tích thêm về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đặc biệt lưu ý, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại nhưng biến động hơn và tất cả các động lực tăng trưởng từ tổng cầu đang suy yếu. Cụ thể, đầu tư nhà nước tăng mạnh nhưng còn dưới xa so với kế hoạch. 

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tăng rất chậm cho lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đặc biệt là đánh mất đi niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường hiện nay. FDI ổn định, tuy nhiên khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu hồi phục. Trong khi đó, cả 3 động lực từ phía cầu đều suy yếu, đó là: Tổng mức bán lẻ (tăng tốt trong quý I nhưng chậm lại trong quý II); đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều yếu; xuất nhập khẩu giảm mạnh hơn qua các quý.

Một trong những nguy cơ mà Việt Nam đang phải đối mặt là sự suy giảm của xuất khẩu không chỉ do cầu thế giới giảm mà đã xuất hiện dấu hiệu lo ngại nguy cơ mất hẳn đơn hàng do các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu như sản xuất xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường… Và Việt Nam chưa tận dụng được các lợi thế từ FTA, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn dựa vào gia công, nhập khẩu nguyên vật liệu… vì vậy còn nhiều vướng mắc trong quy định về xuất xứ hàng hoá. 

Đồng thời, trước đây chi phí nhân công của Việt Nam có mức cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhưng hiện nay Việt Nam đang dần mất đi lợi thế này”, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết. 

PGS.TS. Phạm Thế Anh đánh giá, bức tranh kinh tế quý II đã có sự cải thiện hơn so với quý I nhưng còn quá thấp so với con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Đặc biệt là hai khu vực có tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn rất xa ngưỡng trung bình đó là Công nghiệp và Xây dựng. 

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Mặt khác, tỷ lệ lạm phát tổng thể giảm nhanh, lạm phát cơ bản giảm chậm đã thể hiện sức cầu yếu của nền kinh tế. Theo chuyên gia của NEU, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người dân giảm sút khiến cho cầu tiêu dùng hàng hoá giảm, thị trường tài sản (thị trường bất động sản và cổ phiếu) sụt giảm từ cuối quý IV/2022; cung tiền tăng chậm, lãi suất luôn ở mức cao; giá nguyên, nhiên vật liệu giảm đáng kể so với năm 2022… 

“Tất cả các thành phần tổng cầu đều có sự sụt giảm và tăng trưởng thấp. Chủ yếu tăng trưởng của chúng ta có tín hiệu tích cực hơn so với quý I là do nhập khẩu giảm mạnh, giảm hơn 13,2%. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất của nền kinh tế, có thể thấy rõ nhiều khó khăn đang phải đối mặt để có thể phục hồi đúng nghĩa”, chuyên gia của NEU khẳng định.  

Cần khuyến khích đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, tăng trưởng trung bình của nền kinh tế Việt Nam qua các giai đoạn đang giảm dần và chậm lại qua các giai đoạn tính từ những năm đổi mới thập kỷ 90. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam thiếu các chính sách mang tính cải cách dài hạn của nền kinh tế. Đặc biệt tại thời điểm hiện nay, các chính sách liên quan đến cải cách môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, thuế phí, đầu tư khu vực tư nhân, thúc đẩy khoa học công nghệ… đang thiếu do đó đã làm giảm tốc độ tăng trưởng trung bình. 

Trưởng khoa Kinh tế học NEU nhấn mạnh thêm, đặc điểm thứ hai của nền kinh tế Việt Nam là tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Được biết, sự biến động này vừa do cú sốc từ bên ngoài và vừa do chính sách quản lý tổng cầu chưa có sự khéo léo. Khi chính sách quản lý tổng cầu không ổn định thì sẽ kéo theo nền kinh tế phát triển với tốc độ không đều, lúc nhanh lúc chậm. 

Đưa ra nhận xét chung và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng tổng cầu yếu, theo đại diện NEU, tăng trưởng có sự phục hồi nhẹ nhưng ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài. Do đó, có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng.

Chính sách hạ lãi suất sẽ đóng góp chủ yếu thông qua kênh tài sản và tiêu dùng, giúp cho thị trường tài sản khôi phục, từ đó sẽ kích thích tiêu dùng của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Về nguyên tắc kích cầu, PGS.TS. Phạm Thế Anh đã chỉ ra 3 nguyên tắc chính, bao gồm: Thứ nhất là cần có các chính sách kịp thời vì độ trễ chính sách của các chính sách tài khoá ở nước ta thường rất lớn và tình hình kinh tế diễn biến nhanh. Thứ hai là các chính sách chỉ thực hiện tạm thời trong thời gian ngắn để kích thích phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời cần tránh các bất ổn như lạm phát, tỷ giá, bong bóng giá tài sản… Do đó, nên ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn. Và cuối cùng là, các chính sách cần hướng tới đúng đối tượng. 

Đưa ra gợi ý chính sách, chuyên gia này cho rằng, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Như vậy, một mặt sẽ giúp cho doanh nghiệp hạ chi vốn đồng thời phải cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, chính sách hạ lãi suất này sẽ đóng góp chủ yếu thông qua kênh tài sản và tiêu dùng, giúp cho thị trường tài sản khôi phục, từ đó sẽ kích thích tiêu dùng của nền kinh tế.Tuy nhiên giải pháp này gặp một số khó khăn như tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao, lạm phát cơ bản giảm chậm. Hơn nữa còn gặp hạn chế về lãi suất thực dương; bất ổn tỷ giá và có thể sẽ ít hiệu quả kích thích đầu tư khi doanh nghiệp bi quan và sức cầu tiêu dùng yếu. Vì vậy trong giai đoạn này cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa. Và đồng thời cũng có thể sử dụng tín dụng thuế đầu tư và Nhà nước cần có danh sách những ngành nghề muốn tư nhân tham gia vào đó, đồng thời đưa ra ưu đãi cho doanh nghiệp. 

“Cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa như: Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực, bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Đây là chính sách lâu dài, hạn chế tác động phụ. 

Ngoài ra, cần kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế; giảm VAT hàng thiết yếu, thông qua đó sẽ đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu; đạt hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao, và sau cùng vừa là chính sách tạm thời và vừa lâu dài, ít có tác động phụ”, PGS.TS. Phạm Thế Anh đề xuất./.

Đưa ra những giải pháp để đạt mức tăng trưởng mức 8 - 9% trong 6 tháng nửa cuối năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê - Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

“Đầu tiên cần phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu. Thứ hai là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn. Ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường. Một vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định được tỷ giá. Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định”, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung nhìn nhận.

Xem thêm: lmth.04702000042210202-et-hnik-ioh-cuhp-ed-aohk-iat-hcas-hnihc-gnud-us-neit-uu-nac/nv.semitaer

Comments:0 | Tags:No Tag

“PGS.TS. Phạm Thế Anh: Giai đoạn này cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa để phục hồi kinh tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools