Những năm gần đây, đường sá về Cà Mau được Chính phủ quan tâm đầu tư. Đặc biệt, năm 2023 đường bay thẳng từ thủ đô Hà Nội đến Cà Mau được mở. Đây là tiền đề để du lịch Cà Mau "phất lên".
Du lịch Cà Mau "thay áo mới"
Lãnh đạo ngành du lịch Cà Mau xác định phải đổi mới trong cách quảng bá, tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh bằng cách chủ động tạo các chuỗi sự kiện, nhằm tôn vinh, phát huy những sản vật, nét văn hóa đặc trưng của đất và người nơi đây.
Chỉ tính riêng các hoạt động của chương trình "Cà Mau điểm đến năm 2022" đã thu hút hơn 159.000 lượt khách, đạt doanh thu hơn 108 tỉ đồng.
Theo ông Trần Hiếu Hùng - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, việc nở rộ các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, các tour, tuyến du lịch xuyên rừng đã góp phần giúp cho du khách có nhiều sự lựa chọn trải nghiệm và biết đến du lịch xanh ở Cà Mau nhiều hơn.
Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường, nâng cao đời sống cho người dân.
"Sau dịch COVID-19, ngành du lịch của tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chính sách kích cầu du lịch kịp thời như chương trình "Cà Mau điểm đến" nên doanh thu của công ty đã ổn định trở lại" - ông Phạm Văn Khanh, giám đốc khu du lịch 10 Ngọt, huyện Trần Văn Thời, cho biết.
Cần sự khác biệt
Mục tiêu năm 2023 tỉnh Cà Mau thu hút 1,75 triệu lượt du khách, tổng doanh thu đạt hơn 2.600 tỉ đồng. Để đạt được con số này không phải là điều dễ dàng nếu không có chiến lược phát triển phù hợp.
Bà Trần Bích Loan, giám đốc Công ty du lịch Đất Mũi Xanh, chia sẻ Cà Mau đang có lợi thế lớn từ việc kết nối đường bay thẳng với Hà Nội và sắp tới đây sẽ có tuyến cao tốc nối với các TP lớn như Cần Thơ, TP.HCM.
Tuy nhiên, để giữ chân du khách dài ngày, ngoài việc đầu tư nâng cấp về hạ tầng để kết nối các điểm du lịch, địa phương cần tổ chức, liên kết và phân công nhiệm vụ giữa các điểm làm du lịch để tránh tình trạng "đụng hàng", gây nhàm chán cho du khách".
Hơn 1.400 tỉ đồng phát triển và bảo tồn U Minh Hạ
UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt kinh phí đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng để làm các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Theo đó khu nghỉ dưỡng du lịch sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2030 với diện tích 1.318ha gồm nhiều khu vực phục vụ khách du lịch như: khu đón tiếp du khách, khu du lịch sinh thái, khu vườn sưu tập động, thực vật và vườn dược liệu, khu tái hiện làng rừng và các làng nghề truyền thống, khu nghỉ dưỡng, khu trồng cây lưu niệm.
Các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ sẽ kết nối được các tuyến du lịch xung quanh, tạo sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần. Từ đó nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Những năm gần đây đường sá về Cà Mau được Chính phủ quan tâm đầu tư. Đặc biệt, năm 2023 đường bay thẳng từ thủ đô Hà Nội đến Cà Mau được mở. Đây là tiền đề để du lịch Cà Mau "phất lên".
Tiếp nối thành công từ chương trình "Cà Mau điểm đến" những năm trước, năm 2023 tỉnh sẽ tổ chức nhiều sự kiện thu hút khách du lịch, trong đó có festival tôm, ngày hội khinh khí cầu, ngày hội bánh dân gian Nam Bộ...