Ngày 12.7, thông tin từ Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh, thiếu tướng Đinh Văn Nơi để hỗ trợ điều tra nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và sự bình đẳng của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, trước tình trạng giá gas của tỉnh này cao bất thường.
Theo Sở Công thương Quảng Ninh, từ đầu năm 2023, do ảnh hưởng của giá khí thế giới, giá bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng trên thị trường ở mức cao từ 32.000 - 42.000 đồng/kg, riêng thời điểm tháng 2 giá LGP trên địa bàn tỉnh lên tới trên 42.000 đồng/kg tương ứng trên 500.000 đồng/bình 12 kg; đến tháng 7.2023 giá gas đã giảm liên tiếp 5 lần, giá tại thời điểm hiện tại ở mức 330.000 - 380.000 đồng/bình 12 kg.
Qua rà soát, có 3 nhãn hiệu khí hóa lỏng có mức giá đăng ký ở Quảng Ninh cao hơn so với tại Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh…
Trước tình hình đó, Sở Công thương Quảng Ninh đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp về việc cân đối lại chi phí tính toán giá, để giảm giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, nhằm kích cầu và tiết kiệm chi phí cho người dân.
Về nguyên nhân giá gas của Quảng Ninh có chênh lệch với các địa phương khác theo bảng kê khai mức giá, thương nhân kinh doanh khí nêu 3 nguyên nhân chính, đó là: doanh thu bán hàng, định mức chi phí lãi cho các đại lý; chính sách chăm sóc khách hàng; chi phí kinh doanh tại Quảng Ninh đều cao hơn các địa phương khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, khách quan, cũng không thể loại trừ trường hợp vi phạm pháp luật như sự bảo kê, thao túng thị trường gas...
Trước tình hình "loạn" giá gas, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký, yêu cầu Sở Công thương Quảng Ninh cần phải có sự rà soát lại để xem tình trạng giá gas tăng cao. Mục tiêu đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, theo tinh thần được sử dụng dịch vụ, sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá cả cạnh tranh; phải gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi nhận Huân chương Chiến công hạng nhất