Tiếp tục phần xét hỏi của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, vào cuối giờ sáng 12/7, sau khi đã xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm tội danh đưa hối lộ, mô giới hối lộ, HĐXX chuyển sang xét hỏi các bị cáo bị truy tố về hành vi nhận hối lộ. Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ là bị cáo bị xét hỏi đầu tiên.
Với vai trò là Trợ lý Phó Thủ tướng, bị cáo cho biết mình có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nguyên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Đặc biệt là có thẩm quyền rà soát các văn bản, thủ tục trình văn bản để trình Phó Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Liên quan đến chuyến bay giải cứu, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh được Thủ tướng giao nhiệm vụ đảm bảo công tác bảo hộ công dân, xem xét giải quyết đưa các trường hợp lao động, công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước.
Bị cáo cũng khẳng định bản thân “không được phân công nhiệm vụ gì trong việc tổ chức chuyến bay giải cứu”.
Khi được HĐXX hỏi về quy trình xét duyệt, cấp phép các chuyến bay giải cứu ở Văn phòng Chính phủ, bị cáo cho biết quy trình xử lý đi từ dưới đi lên.
Cụ thể khi nhận được hồ sơ đăng ký của các tổ chức, doanh nghiệp gửi đến Văn phòng Chính phủ, hồ sơ trước hết sẽ đi qua văn thư, rồi chuyển đến đơn vị chức năng mà cụ thể là Vụ Quan hệ quốc tế. Tiếp sau đó, Vụ Quan hệ quốc tế sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để tham mưu đề xuất làm phiếu trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Tiếp sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Linh cho biết, thông qua giới thiệu của ông Vũ Ngọc Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký Biên tập (Văn phòng Chính phủ), cuối tháng 1/2021, Hoàng Anh Kiếm (tự xưng là đại diện của Công tu Lữ hành Việt) liên hệ, Linh tại phòng làm việc của Linh ở Văn phòng Chính phủ để nhờ giúp đỡ, tác động, cấp phép cho Công ty Lữ Hành Việt được tổ chức chuyến bay.
Ngay khi gặp gỡ, đầu năm 2021, do Chính phủ đang thực hiện chính sách giãn cách xã hội, hoãn các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, nên Linh cho biết sẽ không thể xử lý được và hẹn khi nào có chủ trương nối lại các chuyến bay thì sẽ thông báo lại sau.
Đến giữa tháng 3/2021, khi Chính phủ có chủ trương nối lại các chuyến bay, Nguyễn Quang Linh đã chủ động trao đổi với Kiếm. Tuy nhiên bị cáo khai nhận chỉ hướng dẫn Kiếm chuẩn bị hồ sơ để làm sao khi gửi lên Văn phòng Chính phủ hợp lệ chứ không có thỏa thuận gì thêm.
Sau khi Kiếm nộp hồ sơ, Linh giới thiệu Kiếm với Nguyễn Tiến Thân - Chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế để hai bên gặp gỡ nhau.
Bị cáo Linh cũng thừa nhận đã nhận 4 lần tổng số tiền 180.000 USD của Hoàng Anh Kiếm và 100 triệu của Nguyễn Mai Anh (bị cáo, nguyên Chuyên viên, Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ).
“Khi Nguyễn Mai Anh đưa 100 triệu đồng, có nói là của doanh nghiệp cảm ơn nhưng không nói rõ doanh nghiệp nào cảm ơn. Bị cáo hiểu là doanh nghiệp được cấp phép chuyến bay thì họ cảm ơn nên bị cáo nhận”, Nguyễn Quang Linh khai nhận đồng thời khẳng định không chuyển tiền đã nhận hối lộ cho bất kỳ ai khác.
Khi HĐXX hỏi: Khi nhận tiền bị cáo có giải quyết thủ tục nhanh hơn, sớm hơn không?, bị cáo Linh khẳng định: “Bị cáo luôn luôn thực hiện đúng thời gian quy định, đảm bảo nhanh nhất có thể. Bất kỳ công việc nào cũng thế, thời điểm dịch bệnh hay giai đoạn phục hồi kinh tế sau này bị cáo đều nỗ lực làm nhanh gọn nhất có thể”.
Cũng theo cựu Trợ lý Phó Thủ tướng, việc Văn phòng Chính phủ tiếp nhận hồ sơ giải quyết chuyến bay rồi báo cáo thẳng lãnh đạo Chính phủ quyết định mà không thông qua tổ công tác 4/5 Bộ là không đúng thẩm quyền. Dù biết là không đúng nhưng bị cáo vẫn tiếp tục trình.
Cũng theo bị cáo Linh, gia đình bị cáo đã nộp lại số tiền gần 4,5 tỷđồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo thừa nhận tội danh như cáo trạng truy tố là đúng, không oan sai.