Phán quyết ngày 12-7-2016, do Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
Ngày 11-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho rằng phán quyết 2016 là ràng buộc về mặt pháp lý đối với Philippines và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh "thực thi các yêu sách hàng hải của họ theo luật pháp quốc tế".
Ông Miller cũng kêu gọi Bắc Kinh "chấm dứt hành vi cản trở quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời chấm dứt sự can thiệp vào quyền tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực".
Theo Hãng tin Reuters, thông qua lời kêu gọi ngày 11-7, Washington tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế vào năm 2016 tại The Hague.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng nói họ không công nhận phán quyết này.
"Với phán quyết này, Tòa trọng tài đã vượt quá thẩm quyền xét xử vụ việc và làm sai luật", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo ngày 12-7.
Để kỷ niệm phán quyết này, cũng trong ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Philippines ra mắt trang web chứa "thông tin chính thức" về chiến thắng pháp lý của Manila trước Bắc Kinh.
"Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực cố tình làm giảm hoặc làm suy yếu hiệu lực pháp lý của phán quyết trong luật pháp quốc tế", Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro phát biểu. "Phán quyết là thứ không thể tranh cãi và không thể thỏa hiệp".
TTCT - Năm nay, sự kiện Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ít được nhắc tới hơn năm ngoái dù trên thực tế, cũng đã có một số động thái “qua lại”...