Ông Tô Anh Dũng, 59 tuổi, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, là người đầu tiên bị xét hỏi trong chiều 12/7, ngày xét xử thứ hai đại án "chuyến bay giải cứu". Ông là một trong 8 cựu quan chức Bộ Ngoại giao bị truy tố tội Nhận hối lộ.
Cựu thứ trưởng khai thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, nhu cầu đồng bào về nước rất cao, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay, song còn nhiều vướng thủ tục. Với tinh thần "lắng nghe, tiếp thu những ý kiến giãi bày khó khăn để hướng dẫn, đánh giá năng lực" của doanh nghiệp trước khi cấp phép, ông đã đồng ý tiếp trong phòng làm việc. Cựu thứ trưởng nói gặp không phải để ra điều kiện, do "không có mưu đồ hay ý định đòi hỏi, gây khó khăn gì".
Trong ít phút trả lời thẩm vấn, ông Dũng hai lần "xin lỗi" HĐXX do không thể nhớ hết những lần nhận tiền, chỉ có thể liệt kê những khoản lớn nhất mà mình chắc chắn. "Chị Mơ ở Công ty An Bình đưa 8 tỷ rưỡi, chị Hằng Bluesky 5 tỷ, chị Vy ATA 115.000 USD, chị Mai Xa Masterline 30.000 USD, anh Nghĩa ở Công ty Nhật Minh 40.000 USD, Công ty Sao Hà Nội 25.000 USD... còn bao nhiêu, xin thừa nhận như cơ quan điều tra đã quy kết", cựu thứ trưởng nói chiều nay.
Chủ tọa Vũ Quang Huy sau đó trích các bút lục lời khai và con số cụ thể về 13 doanh nghiệp đã đưa hối lộ. Ông Dũng liên tục gật đầu xác nhận, sau mỗi lần chủ tọa hỏi "đúng không?".
Cựu thứ trưởng nói toàn bộ các lần nhận tiền đều sau khi chuyến bay đã hoàn thành, đại diện doanh nghiệp đến "báo cáo, cảm ơn". Ông gặp lại để "lắng nghe, rút kinh nghiệm, có quà thì nhận, vì nể nang chứ không đòi hỏi".
Khi được hỏi nhận thức về việc làm của mình, ông hạ thấp giọng, cúi đầu trình bày: "Nhưng xin lỗi HĐXX, lúc đó tôi không nhận thức được là mình sai; cũng không nghĩ đã làm gì sai chính sách, không lợi dụng chức vụ để làm khó ai, hết sức tạo điều kiện doanh nghiệp".
Trong những lời khai báo cuối, ông Dũng nói với giọng nghẹn, đứt quãng, liên tục vò tay vào nhau, khom người lấy tay trái đỡ ngực. Ông cam kết sẽ tác động gia đình khắc phục hết hậu quả. Trước ngày xét xử, ông đã được người nhà nộp hơn 16 tỷ đồng.
'Muốn trả lại tiền doanh nghiệp biếu mà không được'
Như cựu thứ trưởng Dũng, bảy cựu cán Bộ Ngoại giao còn lại đều cho hay không "vòi vĩnh, đòi hỏi, gây khó khăn" và coi việc nhận tiền chỉ là những "món quà cảm ơn". Chỉ khi bị bắt và truy tố, các cựu quan chức này mới nhận ra mình làm vậy là nhận hối lộ, phạm pháp.
Ông Đỗ Hoàng Tùng, Cục phó Lãnh sự, cho hay trong quá trình làm việc, các đại diện doanh nghiệp "liên hệ rất là nhiều và gọi điện thoại liên tục", ông phải trả lời "theo đúng nghĩa là hướng dẫn", vì thế việc nhận lời cảm ơn là hợp lý.
Trước cáo buộc 38 lần nhận hối lộ, tổng hơn 12 tỷ đồng, ông giải thích việc nhận do "nhất thời không kiểm soát được mình".
Cáo trạng nêu trong tổ chức chuyến bay giải cứu, Bộ Ngoại giao là đơn vị bảo hộ công dân, xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, tham mưu cho Chính phủ và công tác cùng 5 bộ trong công tác tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước trong Covid-19.
Cục Lãnh sự được Bộ Ngoại giao bảo hộ công dân, xây dựng kế hoạch nắm bắt nhu cầu về nước, tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp, thẩm định năng lực cùng tổ công tác. Trong vụ án, các bị cáo thuộc Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hơn 71 tỷ đồng, nhiều tiền hối lộ nhất trong nhóm 4 bộ và địa phương.
Bị cáo Lưu Tuấn Dũng, cựu Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, khai sau khi nhận hối lộ của 9 doanh nghiệp (tổng 273 triệu đồng và 11.000 USD), ông còn cố gắng liên lạc để trả tiền lại cho doanh nghiệp nhưng không được.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khai đã cố gắng liên hệ để trả lại tiền cho doanh nghiệp nhưng "không kiên quyết". Ông nhận thức đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời và đến lúc phải trả giá.
Ông Nam bị cáo buộc nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng, hiện gia đình đã khắc phục toàn bộ.
Phân trần về bối cảnh nhận tiền, bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, nói cuối 2021 ông đi gặp bà con tại đây, được nghe nhiều nguyện vọng muốn về nước nhưng không có chuyến bay. Do đó, ông chủ động làm công điện gửi Cục Lãnh sự, tổ chức chuyến bay từ Osaka cho công dân về nước và được chấp thuận.
Ông khai có nhận điện thoại từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc công ty Bầu trời xanh (Bluesky) xin bán vé và tổ chức chuyến bay. Hai người không hứa hẹn chia chác, đưa tiền. Sau các chuyến bay thành công, Hằng tới cảm ơn, song ông từ chối tiếp.
"Hằng sau đó vẫn chuyển khoản cho bị cáo 1,8 tỷ đồng", ông Hà khai. Do thấy "không ổn lắm", ông trả 1,4 tỷ đồng lại. Trong quá trình điều tra, ông nộp thêm 600 triệu đồng.
Cũng nhận tiền cám ơn, cựu đại sứ Việt Nam tại Angola Vũ Ngọc Minh phân trần: "Sau khi tổ chức chuyến bay thành công, tôi vui vẻ đọc số tài khoản cho Chủ tịch VijaSun Đào Minh Dương để chuyển tiền. Bị cáo rất vui vì chuyến bay thành công tốt đẹp, chỉ nghĩ đơn giản đó là tiền cảm ơn".
Trước tòa, ông Minh phủ nhận cáo buộc "vòi" doanh nghiệp chi 3 triệu đồng với mỗi hành khách trên chuyến bay giải cứu, như cơ quan công tố cáo buộc.
VKSND Tối cao xác định vụ án xảy ra trong giai đoạn đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021 khi tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa người dân hồi hương giữa đại dịch Covid-19.
Trong 54 bị cáo, 21 cựu quan chức đã nhận hối lộ 515 lần, tổng 165 tỷ đồng. Hiện các bị cáo đã nộp khắc phục khoảng 60 tỷ đồng.
Phạm Dự - Thanh Lam
Xem thêm: lmth.7828264-gnan-en-iv-neit-nahn-gnud-hna-ot-oaig-iaogn-gnourt-uht-uuc/ten.sserpxenv