Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã văn bản gửi lãnh đạo các tổ chức tín dụng hội viên, kêu gọi hội viên tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng
Các tổ chức tín dụng cân đối nguồn lực tài chính xem xét giảm lãi suất tiền vay đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5%-2%. Ngoài ra, xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
VNBA đề nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện, các tổ chức tín dụng cập nhật tình hình và nêu những khó khăn, vướng mắc (nếu có) về Hiệp hội để tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kết quả thực hiện cũng như có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Các ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay từ 1,5-2% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - Ảnh: Thanh Hoa |
Trước đó, Chính phủ đã giao NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất cho vay ít nhất từ 1,5-2%, nghiên cứu giảm lãi suất với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ, có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% và gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội. Đồng thời, khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp khác với các lĩnh vực cần thiết…
Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Rất nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng âm trong các quý đầu năm 2023 khi người dân và doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do lãi suất vay quá cao.
Thanh Hoa